Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại virus gây ra. Bệnh có thể xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh quai bị được ghi nhận gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Điếc tai là một trong số đó.

Điếc tai, ù tai - Biến chứng nghiêm trọng của bệnh quai bị

Bệnh quai bị thường xảy ra vào mùa Đông – Xuân, với biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là thể viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh quai bị có thể gây nhiều biến chứng như: Viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não – màng não, viêm tụy, điếc tai,…

Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, do bác sĩ Hiromi Hashimoto thực hiện tại phòng khám mang tên ông ở Osaka cảnh báo rằng, nguy cơ trẻ em bị điếc sau khi mắc bệnh quai bị cao gấp 20 lần so với những gì mà mọi người thường nghĩ. Các nhà khoa học đã theo dõi 7.400 trường hợp bị bệnh quai bị tại hơn 40 phòng khám nhi khoa ở Nhật Bản và phát hiện có 7 trường hợp bị điếc tai (khoảng 0,1%). Các trường hợp bệnh nhi này có thể bị điếc một hoặc hai tai, nhưng đều bị rất nặng và khó hồi phục.

Bác sĩ Hashimoto nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì nhiều trường hợp bị điếc sau bệnh quai bị như vậy. Không có trẻ nào trong nhóm 7 trẻ bị điếc vì quai bị được tiêm chủng để phòng ngừa loại virus này”.

Ông Hashimoto cũng lo ngại: "Tôi e rằng, nhiều người Nhật Bản, kể cả các bác sĩ cũng không biết về biến chứng điếc tai của quai bị. Nhiều người Nhật vẫn tin rằng, quai bị là một bệnh nhẹ và chỉ gặp ở trẻ nhỏ. Vì vậy, chúng tôi muốn nhiều người hiểu rõ về quai bị và tầm quan trọng của việc tiêm phòng căn bệnh này".

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, biến chứng điếc tai rất hiếm gặp, với tỷ lệ khoảng 2/10.000 trường hợp quai bị. Điếc tai xảy ra ở giai đoạn khởi phát, do virus quai bị gây tổn thương ốc tai. Điếc do quai bị gần như không thể hồi phục và thường là một bên tai, hiếm khi điếc cả hai tai. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều trường hợp bị biến chứng điếc tai do quai bị, đặc biệt là trẻ em.

Thùy Trang