Do sự phát triển công nghiệp, ở Việt Nam, số người phải lao động trong môi trường có tiếng ồn ở mức độ gây hại ngày một gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ người chịu tác động của tiếng ồn gây hại ở nước ta chiếm khoảng 25% đến 30% những người lao động. Số người bị điếc nghề nghiệp cũng ngày càng tăng cao và trở nên phổ biến. 

 Tại sao tiếng ồn và bệnh nặng tai lại luôn song hành với nhau?

 Tại nước ta, công nhân ở nhiều ngành sản xuất như: Dệt, cơ khí, điện máy hay luyện kim… đều có tỷ lệ số người mắc điếc do nghề nghiệp cao. Nguyên nhân bệnh sinh của điếc nghề nghiệp được các chuyên gia phân tích là do cơ chế thần kinh và cơ học: Cơ chế thần kinh là do tiếng ồn gây nên những thương tổn ở bộ phận dẫn truyền thần kinh của cơ quan thính giác. Khi tiếp xúc nhiều với tiếng ồn quá mức cho phép, sẽ dẫn đến mất khả năng nhạy cảm thông thường của các tế bào thần kinh thính giác, dần dần, người đó sẽ không cảm ứng được với âm thanh mà tần số, cường độ thấp.

Về cơ chế cơ học: Các chuyên gia đánh giá, khi tiếp xúc nhiều với tiếng ồn tần số cao, cơ quan thính giác người bệnh sẽ bị tổn thương tế bào lông của cơ quan Corti. Nguyên nhân của tình trạng này là do các tế bào lông chịu áp lực âm thanh mạnh lên bề mặt tế bào, các sợi lông chịu tác động thường xuyên và dần dần mất cảm ứng, gây nên hiện tượng bị trơ về mặt cơ học cũng như dẫn truyền thần kinh. Và hậu quả là gây ra điếc nghề nghiệp. 

 Làm sao để chẩn đoán điếc, nặng tai do tiếng ồn?

Để chẩn đoán xác định nặng tai do tiếng ồn cần dựa theo các cơ sở sau: Hỏi về nghề nghiệp, tiền sử- Điều này rất quan trọng. Bác sĩ cần phải hỏi, điều tra đầy đủ và lập hồ sơ rõ ràng, chi tiết về cường độ cũng như thời gian tiếp xúc với tiếng ồn.

Thứ hai là khám lâm sàng: người bệnh cần khám về tai mũi họng định kỳ để kiểm tra những tổn thương về màng tai, tai giữa và xương chũm, đo thính lực đồ.

 Nếu một người phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong một thời gian dài, các triệu chứng của điếc do tiếng ồn sẽ tiến triển và gia tăng từ từ. Ở giai đoạn sớm, một số người điếc do tiếng ồn có thể không biết sức nghe của mình đã bị thuyên giảm. Khi bệnh tiến triển đến lúc biểu hiện ra bên ngoài, thì người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói. Để phát hiện ra bệnh, cần làm các bài kiểm tra đo thính lực định kỳ, thường xuyên.

Có cách nào để ngăn ngừa tiến triển bệnh nặng tai do tiếng ồn không?

 Một số biện pháp phòng hộ kỹ thuật nhằm giảm thiểu các nguồn sinh ra tiếng ồn như: Giảm ma sát vật liệu, thay thế công cụ kim loại mềm cho kim loại cứng; Thu hồi, triệt tiêu nguồn phát âm: Bố trí các ống, hộp giảm âm để làm bớt cường độ nguồn âm đã sinh ra. Tuy nhiên, đó là những biện pháp do nhà máy, cơ sở hoặc doanh nghiệp áp dụng. Còn cá nhân người lao động có thể làm là sử dụng dụng cụ phòng hộ như: Nút tai hoặc loa che tai. Các loại dụng cụ này thường giúp làm giảm từ 20 đến 45dB, như vậy sẽ đưa cường độ âm thanh có hại xuống dưới mức gây hại. Ngoài ra, cần phải tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi sau mỗi ca làm việc, tránh tiếng ồn cho tai được nghỉ ngơi.

Hà Anh