Thói quen sử dụng tai nghe trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân gây điếc tai, suy giảm thính lực phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ. Bởi vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng tai nghe một cách hợp lý để thính giác không bị tổn thương, phòng ngừa suy giảm thính lực hiệu quả. Trong nội dung bài viết này, kimthinh.info xin được giới thiệu tới bạn 5 nguyên tắc giúp phòng ngừa suy giảm thính lực khi sử dụng tai nghe.

Tại sao sử dụng tai nghe dễ gây suy giảm thính lực?

Theo thống kê của WHO, hiện nay có khoảng 1,1 tỷ người ở độ tuổi từ 12 - 35 đang sử dụng thiết bị âm thanh (chủ yếu là tai nghe) với mức âm lượng nguy hiểm. Thói quen này là nguyên nhân gây điếc tai, suy giảm thính lực phổ biến.

Theo chuyên gia, thông thường sóng âm sẽ truyền vào vành tai, sau đó đi qua ống tai, vào màng nhĩ, tới xương ở tai giữa rồi đưa vào ốc tai và truyền đến não. Trong ốc tai có những tế bào lông phụ trách tiếp nhận âm thanh. Mỗi tế bào phụ trách cho một tần số âm thanh khác nhau. 

Khi nghe qua tai nghe, âm thanh sẽ được truyền thẳng qua ống tai, dẫn đến sự gia tăng áp lực bên trong tai. Đặc biệt, ở những người sử dụng tai nghe liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày với âm lượng cao thì lâu dần sẽ suy giảm thính lực, có thể làm tai bị nhiễm trùng. 

Suy giảm thính lực xảy ra khi bạn tiếp xúc thường xuyên với âm thanh có cường độ 85 – 90dB liên tục trong 2h đồng hồ và kéo dài trong 1 - 2 năm. Sử dụng tai nghe cũng phát ra sóng điện từ dễ làm tổn thương não.

5 nguyên tắc phòng ngừa suy giảm thính lực khi sử dụng tai nghe

Sử dụng tai nghe thường xuyên có thể gây hại cho thính lực nên việc bạn cần làm hiện tại là hạn chế dùng thiết bị này và không tiếp xúc với âm thanh quá lớn. Nếu công việc thường xuyên phải sử dụng tai nghe, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau để phòng ngừa suy giảm thính lực.

1. Quy tắc 2/3

Thông thường, 85dB là cường độ âm thanh được khuyến nghị để đảm bảo độ an toàn cho thính giác khi nghe nhạc bằng tai nghe. Do vậy, hãy đảm bảo rằng, bạn không nghe quá 2/3 tổng âm lượng của thiết bị là được.

2. Nghỉ giải lao

Nghe nhạc càng lâu thì khả năng ảnh hưởng đến tai sẽ càng lớn. Nếu bạn bắt buộc phải sử dụng tai nghe trong thời gian dài thì đừng quên cho đôi tai nghỉ ngơi. Hãy thử nghỉ 10 phút sau 30 phút nghe hoặc 20 phút sau 60 phút.

3. Sử dụng tai nghe có kích thước vừa vặn

Sử dụng tai nghe không vừa sẽ khiến khả năng cách âm giảm, xuất hiện nhiều tạp âm trong môi trường. Nguy hiểm hơn, mọi người có xu hướng tăng âm lượng để át đi các tiếng ồn xung quanh và điều này có hại cho sức khỏe thính giác. Do đó, bạn nên chọn loại tai nghe phù hợp, khử tiếng ồn tốt để không gây hại cho thính lực.

4. Không dùng tai nghe khi ngủ 

Đeo tai nghe khi ngủ sẽ kích thích não bộ làm việc liên tục, khiến tai của bạn sẽ xuất hiện nhiều ráy tai hơn và gây tổn thương màng nhĩ. Do đó, nếu đang có thói quen dùng tai nghe trong khi ngủ thì bạn cần ngừng ngay hôm nay.

5. Tránh đeo tai nghe một bên

Đôi khi, bạn vừa muốn nghe nhạc nhưng vừa muốn nghe được mọi người xung quanh nói chuyện nên chỉ sử dụng một bên tai nghe. Việc làm này cực kỳ gây hại với thính giác vì khi nghe một tai âm thanh không được phát huy đúng mức buộc người nghe phải chỉnh âm lượng to lên, vô tình làm mất cân bằng thính giác và gây điếc một bên tai.

Sử dụng tai nghe trong thời gian dài có thể gây điếc tai, suy giảm thính lực. Do đó, bạn cần tự bảo vệ thính lực bằng cách áp dụng các phương pháp như trên để thính lực luôn khỏe mạnh.