Chào bác sĩ, em thường xuyên sử dụng tăm bông để lấy ráy tai từ nhỏ đến giờ, bây giờ thì mỗi lần lấy ráy tai em lại nghe đau phần ống tai và càng đưa vào trong thì càng nghe đau hơn, không chảy máu và chỉ bị ở 1 bên tai trái, bên phải khi nào đưa vào trong mới nghe đau. Bác sĩ cho em hỏi em có bị sao không và chữa trị như thế nào? Cách lấy ráy tai an toàn và hiệu quả nhất? Xin cảm ơn!
Trả lời:

Chào bạn! Ngoáy tai là thói quen của người Việt, tuy nhiên việc ngoáy tai không làm cho tai sạch mà vô tình làm tổn thương và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Ngoáy tai nhiều gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da gây viêm ống tai - đặc biệt là khi người bệnh bơi ở những ao hồ bẩn. Mặt khác việc ngoáy tai có thể đẩy khối ráy tai (nếu có) vào sâu hơn trong ống tai ngoài, thậm chí ấn sát vào màng nhĩ gây đau tai. Ngoáy tai cũng có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai. Chảy máu tai do rách da ống tai ngoài là một trong những tai biến hay gặp nhất của việc ngoáy tai. Khoa Cấp cứu Bệnh viện tai mũi họng Trung ương cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ngoáy tai bằng que sắt lấy từ một cái ô hỏng, khi đang ngoáy bị cháu xô phải, xuyên thẳng vào trong tai trong hoặc não gây tổn thương nặng nề. 

Khi ngứa tai, tức là ống tai ngoài đang bị tổn thương, càng ngoáy sẽ làm thương tổn lan rộng và nặng nề hơn. Lúc này nên nhỏ thuốc dùng cho tai ngoài trong vòng một tuần. Những loại thuốc nhỏ tai dùng trong trường hợp viêm ống tai ngoài là những thuốc dùng trong khi màng nhĩ không thủng, chủ yếu là những thuốc điều trị bệnh lý của ống tai ngoài như viêm ống tai ngoài, nhọt ống tai ngoài, chấn thương rách da ống tai như polydexa, thuốc sát khuẩn tại chỗ betadine... đôi khi có tác dụng giảm đau của màng nhĩ khi sung huyết trong viêm tai giữa cấp giai đoạn đầu của bệnh như otipax.

Nếu nước vô tình vào trong ống tai khi tắm hoặc bơi gây cảm giác ù tai: lấy que tăm bông đặt nhẹ vào trong ống tai, để yên trong vòng 5 phút, nước sẽ bị bông khô tự động hút hết, tuyệt đối không nên lau chùi nhiều.

Nếu sau khi ngoáy tai đau và chảy máu phải điều trị tại các cơ sở tai mũi họng: Đặt thuốc, nhỏ thuốc tai tại chỗ nếu viêm ống tai ngoài mức độ nhẹ. Nếu nặng phải dùng kháng sinh, kháng viêm toàn thân kết hợp với giảm đau và làm thuốc tai tại chỗ.

Viêm ống tai ngoài là bệnh rất hay tái phát nếu vẫn giữ thói quen ngoáy tai khi ngứa.
 
Vì vậy trường hợp của bạn nên bỏ dần thói quen ngoáy tai, nếu thấy tai có đau nhức thì cần đến bs Tai mũi họng để kiểm tra nhé.
Chúc bạn sức khỏe!
Chuyên viên tai mũi họng.