Chào bạn! Ngày nay viêm tai giữa hay chấn thương gây thủng màng nhĩ có thể được các BS chuyên khoa Tai mũi họng phẫu thuật vá lại, tỉ lệ thành công sau phẫu thuật của năm đầu tiên khá cao khoảng 80- 95 %. Tuy nhiên tỉ lệ này sẽ thay đổi (giảm xuống theo thời gian).
Các nguyên nhân gây thủng màng nhĩ tái phát có thể là:
- Chuẩn bị trước mổ chưa kỹ, tai giữa vẫn còn tồn tại tình trạng viêm chưa được điều trị dứt điểm (do đó phải điều trị tai khô trước mổ 2-3 tháng), hoặc viêm tai giữa mạn tái phát: viêm tai giữa mủ mạn, viêm tai xương chũm mạn, tai giữa có chất ăn mòn xương do biểu bì tiết ra là Cholesteatome còn sót lại khi khi vá nhĩ...
- Ngoáy tai làm chấn thương màng nhĩ gây thủng trở lại, viêm ống tai ngoài, gây viêm màng nhĩ...
- Viêm mũi họng tái phát, hay viêm nạm tính (viêm mũi xoang dị ứng, nhiễm trùng, VA tồn dư,... ) các mầm bệnh từ mũi họng theo lỗ thông tai vòi lên hòm nhĩ gây viêm tai giữa...
- Tắc tai vòi dẫn tới thiếu sự cân bằng áp lực trong và ngoài màng nhĩ, làm áp lực tai giữa giảm xuống, dẫn tới màng nhĩ bị co lõm hay thủng...
- Xì mũi mạnh dẫn tới gia tăng áp lực tại hòm nhĩ gây thủng nhĩ trở lại...
Mẹ em đã vá nhĩ nhưng vẫn thủng đi thủng lại là do có những nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm, gây viêm tai giữa tái phát làm thủng nhĩ.
Việc chuẩn bị trước mổ, trong mổ, sau mổ đòi hỏi phải cẩn trọng kỹ lưỡng. Sau khi vá nhĩ phải phòng bệnh tránh lây nhiễm các bệnh lý vùng mũi, hầu, họng... Tái khám định kỳ, thực hiện cách chăm sóc, theo dõi tai theo sự hướng dẫn của BS.
Em nên đưa mẹ khám tại BV chuyên khoa Tai mũi họng để đánh giá lại tình trạng tai, mũi, họng, xoang, amygdal... nếu các bộ phận này có bệnh lý phải điều trị tích cực, khi các bệnh lý này hết, tai giữa khô từ 2-3 tháng mới tiến hành vá nhĩ.
Bên cạnh đó, em cũng nên thông báo diễn tiến và tình trạng bệnh lý của mẹ em để BS lưu ý tìm nguyên nhân thủng nhĩ tái đi tái lại. Qua đó, BS sẽ có lời khuyên và chỉ định có nên vá màng nhĩ lần nữa hay không.
Chúc mẹ bạn nhiều sức khỏe.
Chuyên viên tai mũi họng!