Chào em! Sức nghe của tai sẽ giảm nếu mọi người tiếp xúc với âm thanh có cường độ 85– 90db liên tục trên hai giờ/ngày và kéo dài một đến hai năm. Hiện hầu hết các máy nghe nhạc đeo tai đều có công suất cực đại đến 120db, gây ra nhiều áp lực âm thanh trực tiếp đến tế bào thần kinh.
Nguy hiểm là bệnh nhân không cảm thấy giảm thính lực ngay, mà phải vài năm mới nhận ra. Bởi tiếng ồn chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận âm thanh tần số cao, sau đó mới ảnh hưởng đến tần số thấp hơn là tiếng nói.
Việc em nghe tai phone quá nhiều đã gây sang chấn vùng hòm nhĩ và làm lõm màng nhĩ.
Ốc tai không chịu được tiếng ồn lâu. Nhiều bạn trẻ nghe nhạc bằng tai nghe liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày nên tế bào thần kinh trong ốc tai làm việc quá sức, gây mệt mỏi. Vì vậy, khi nghe người khác nói, bệnh nhân nghe mà không hiểu, không phân tích được, khả năng nhận biết lời nói kém, dù kết quả đo thính lực đồ cho thấy thính lực chưa thay đổi nhiều.
Các triệu chứng có thể hồi phục trong vài giờ nhưng những bệnh cảnh “mệt thính giác” này phải được xem là một báo động. Nhiều bạn trẻ đeo tai nghe để nghe nhạc liên tục có cảm giác như lỗ tai bị bít lại, ù tai hay chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân… Đó có thể là những biểu hiện của một chấn thương âm thanh cấp tính, đe doạ chức năng thính giác.
Để đánh giá mức độ sang chấn của màng nhĩ và thính giác có vấn đề gì không em cần đến bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra, đo thính lực nhé em.
Sau khi điều trị thính lực của em có thể hồi phục.
Chúc em nhiều sức khỏe.
Chuyên viên tai mũi họng.