Dị dạng ống tai ngoài (OTN) bẩm sinh vừa ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ vừa ảnh hưởng đến chức năng nghe gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp, học tập, công tác. Dị dạng ống tai ngoài làm cho trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ do đó trí tuệ cũng chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường, làm cho trẻ mặc cảm, tự ti ít hoà nhập với xã hội.
Dị dạng bẩm sinh OTN, tai ngoài biểu hiện: chít hẹp ống tai ngoài không có lỗ ống tai ngoài, và thường kèm theo dị dạng vành tai. Dị dạng bẩm sinh OTN có thể kèm theo dị tật bẩm sinh tai giữa hoặc tai trong. Trong trường hợp bị một bên thì người bệnh vẫn có thể giao tiếp nhưng có nhiều hạn chế. Trong trường hợp bị dị dạng cả hai bên thì trẻ thường chậm phát triển ngôn ngữ, cũng có thể dẫn đến hiện tượng câm điếc bẩm sinh.
Dị dạng ở tai thường gặp là: dị dạng vành tai, ống tai ngoài, dị dạng chuỗi xương con, sự bất thường đường đi của dây VII, hở dây VII tự nhiên, dò ngoại dịch bẩm sinh... Ở trẻ sơ sinh chít hẹp OTN có thể một bên hoặc cả hai bên và thường liên quan đến dị dạng của vành tai, tai giữa và tai trong.
Về dịch tễ học, theo Bezold (1926) tỷ lệ dị dạng bẩm sinh tai ngoài là 11/20.400 trẻ sơ sinh, hội nghị tại Mundnich (1966) Edgerton đưa ra con số là 1 ca/7.000, theo Jahrsdoerfer (1996), Antonio De La Cruz (2003) thông báo tại Mỹ thì tỷ lệ này là 1 ca/10 - 20.000 trẻ sơ sinh, nam gặp nhiều hơn nữ, một bên nhiều hơn hai bên (3/1), bên phải gặp nhiều hơn bên trái. Tỷ lệ tịt OTN gặp nhiều hơn hẹp OTN.
Tỷ lệ bệnh lý dị dạng tai bẩm sinh theo Cao Minh Thành là 1,7% trong các bệnh tai.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, từ khi chụp cắt lớp vi tính (CLVT) và cộng hưởng từ hạt nhân ra đời, cùng với sự phát triển của ngành phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật tạo hình, vấn đề điều trị phục hồi chức năng nghe và thẩm mỹ cho những tai bị chít hẹp cũng tạo ra một bước phát triển đáng kể. Tuy vậy, ở Việt Nam vấn đề này còn khá mới mẻ. Cho đến nay chưa thấy có nghiên cứu nào thực sự đi sâu tìm hiểu về căn nguyên bệnh sinh, cũng như đưa ra một phương pháp phẫu thuật hoàn hảo nhằm tạo hình một ống tai mới để phục hồi được chức năng nghe cho người bệnh. Mặt khác, việc phẫu thuật điều trị rất phức tạp, phẫu thuật nhiều lần, có thể gây ra các biến chứng. Vì vậy để việc điều trị đạt được một kết quả khả quan, giúp cho người bệnh cộng đồng, hòa nhập với cả về chức năng cũng như thẩm mỹ, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, vẫn còn là một khó khăn, thách thức lớn cho chuyên ngành TMH.
Việc chẩn đoán và điều trị dị tật OTN bẩm sinh bước đầu đã được nghiên cứu áp dụng ở Việt nam. Với những kết quả ban đầu đáng khích lệ nhưng vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn trong việc điều trị nhất là tỷ lệ thành công trong và sau phẫu thuật, có thể do quyết định phẫu thuật chưa phù hợp trên những bệnh nhân phối hợp các dị dạng khác của tai.