Điếc là tình trạng bạn bị suy giảm khả năng nghe. Có nhiều mức độ khác nhau từ điếc nặng đến điếc sâu. Tùy thuộc và tình trạng bệnh mà người bị nghe kém sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc chữa điếc tai phù hợp.
Nguyên nhân gây điếc
Một số nguyên nhân gây điếc tai, suy giảm thính lực ở người lớn bao gồm:
- Viêm tai giữa: Đây là một bệnh lý về tai thường gặp. Nó làm cho xương nhỏ hơn ở tai giữa khó di chuyển hơn, dẫn tới mất thính lực dẫn truyền.
- Bệnh của Ménière: Đây là một vấn đề ở tai trong. Ménière thường bắt đầu ở những người từ 30 - 50 tuổi. Người mắc bệnh này thường sẽ bị mất thính lực kèm biểu hiện chóng mặt và ù tai,…
- Sử dụng thuốc gây hại cho tai: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe, chẳng hạn như: Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị,…
- Tiếp xúc với tiếng ồn rất lớn: Tiếng ồn lớn có thể gây điếc vĩnh viễn. Điếc do tiếng ồn thường rất khó để phục hồi.
- U thần kinh thính giác: Khi bị một khối u trong tai, bạn có thể bị điếc và có cảm nhận về những âm thanh lạ trong tai. Trong trường hợp này, bạn cần điều trị y tế càng sớm càng tốt.
- Chấn thương đầu hoặc cổ: Một chấn thương ở não, thủng màng nhĩ,… cũng có thể gây hại cho thính lực, dẫn đến tình trạng điếc tai, nghe kém.
Các loại thuốc chữa điếc tai thường được sử dụng hiện nay
Điếc tai, nghe kém không được điều trị sớm và kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Tùy vào mỗi nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.
Hiện nay, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc để cải thiện tình trạng bệnh. Thuốc chữa điếc tai thường được dùng là:
- Nhóm thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương, bao gồm: Các adrenergic, thuốc ức chế adrenergic, antiadrenergic, cholinomimetic, anticholinesterase, cholinolytic, thuốc giãn cơ trơn, các plasma polypeptide và vitamin.
- Thuốc kháng histamin và thuốc giảm phù nề được sử dụng trong các trường hợp nghi ngờ nguyên nhân điếc tai do rối loạn chức năng vòi nhĩ.
- Thuốc an thần, magnesi sulfate, barbiturate, meprobamate được sử dụng để giảm các ức chế trên hệ thần kinh trung ương.
- Các dẫn xuất của para-aminobenzoic acid (như procain) và nhóm aminoacyl amide (như lidocaine, lignocaine) cũng có thể được sử dụng đường tĩnh mạch để làm giảm độ nhạy cảm của mô dẫn truyền thần kinh, từ đó giúp cải thiện tình trạng ù tai, điếc tai.
- Trong trường hợp bị điếc đột ngột, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng thuốc corticoid dạng uống hoặc tiêm trực tiếp vào màng nhĩ nếu việc dùng thuốc đường uống không mang tới hiệu quả.
Hầu hết các loại thuốc theo toa đều có một số tác dụng phụ, đặc biệt là khi bạn sử dụng trong thời gian dài. Một số loại thuốc thần kinh có thể làm giảm khả năng tự nhiên của não để thích nghi và thay đổi, khiến bệnh nhân khó tập trung hơn.
Những tác dụng phụ mà thuốc chữa điếc tai khác có thể gây ra như: Buồn nôn, mất ngủ, khó chịu, mệt mỏi, táo bón… Sử dụng trong thời gian dài, thuốc có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận của cơ thể. Chính vì vậy, nếu muốn điều trị ù tai bằng thuốc tây, người bệnh nên cân nhắc thật kỹ và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.