Điếc tai, suy giảm thính lực là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi do quá trình lão hóa. Suy giảm thính lực khiến người già luôn có cảm giác bị cô lập, xa rời với thế giới xung quanh. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, khéo léo thì rất dễ khiến người bệnh bị tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của họ. Vì vậy, việc chăm sóc và điều trị điếc tai ở người cao tuổi cần tới sự “vào cuộc” của cả gia đình chứ không phải của riêng ai.
Chăm sóc điếc tai ở người già - Cần sự "vào cuộc" của cả gia đình
Nếu trong gia đình có người bị điếc tai, nghe kém, suy giảm thính lực thì vai trò của người nhà và những người xung quanh là rất quan trọng. Sau đây là những lưu ý trong chăm sóc người cao tuổi bị điếc tai bạn cần phải biết:
- Chế độ ăn uống: Nên đưa vào thực đơn của người bị điếc các thực phẩm tốt cho thính lực như thực phẩm giàu kẽm, axit folic, vitamin D, C,…
- Luôn nhắc nhở người cao tuổi giữ vệ sinh mũi họng, chữa kịp thời các bệnh mũi họng, vì nó là nguồn gốc chính gây viêm tai, dẫn tới điếc.
- Chú ý đến chế độ sinh hoạt điều độ, luyện tập thể dục, dưỡng sinh thích hợp, tránh lo lắng, căng thẳng gây suy nhược cơ thể.
- Hạn chế cho người cao tuổi tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Có thể trang bị thiết bị bảo vệ tai cho họ để sử dụng mỗi khi phải đến môi trường có âm thanh lớn.
Ngoài việc chăm sóc, bạn cũng chú ý đến một số vấn đề tế nhị sau:
- Nếu trong gia đình có người bị nghe kém thì hãy luôn tạo một cuộc nói chuyện cởi mở, nghiêm túc để người bệnh có cảm giác được tôn trọng. Nếu đang giao tiếp với người nghe kém, đừng bao giờ tỏ thái độ như không muốn nói chuyện hoặc nhờ người khác nói hộ. Thay vào đó, hãy luôn giữ thái độ niềm nở và sẵn sàng lặp lại những điều vừa nói thêm nhiều lần nữa.
- Đừng bao giờ nói chuyện từ phòng khác, việc không nhìn thấy nhau sẽ gây cản trở cho người suy giảm thính lực bởi họ không có được cảm nhận từ miệng của người nói. Hãy nói chuyện trực tiếp, ánh sáng tốt để tạo thuận lợi cho người bị điếc tai dễ dàng giao tiếp hơn.
- Nói rõ ràng, chậm rãi, nhưng tự nhiên, không hét lên hoặc phóng đại các cử động của miệng. Tiếng la hét có thể làm biến dạng âm thanh của lời nói và khiến cho người bị điếc tai càng khó nghe và cảm thấy xấu hổ hơn.
- Tránh nói quá nhanh hoặc dùng những câu quá phức tạp. Làm chậm lại một chút, tạm dừng giữa các câu hoặc cụm từ và chờ đợi để đảm bảo rằng người nghe kém đã tiếp nhận được những thông tin bạn nói trước khi tiếp tục.
- Hầu hết những người khiếm thính gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói khi có tiếng ồn xung quanh. Vì vậy, hãy cố gắng giảm tiếng ồn trong khi nói chuyện ở mức thấp nhất.