Có không ít bà mẹ vì lo sợ con bị ngứa ngáy, khó chịu nên cố gắng sử dụng bông để lấy ráy tai cho trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc làm này là hoàn toàn sai lầm và nó có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe thính giác của trẻ.
Lấy ráy tai bằng tăm bông – Nguy hại khôn lường!
Mỗi năm, có khoảng 12.500 trẻ em dưới 18 tuổi được điều trị tại các khoa cấp cứu của Mỹ bởi các chấn thương thính giác liên quan đến tăm bông. Điều đó có nghĩa là, khoảng 34 lượt trẻ em phải nhập viện mỗi ngày. Theo số liệu một nghiên cứu trước đó tại Anh, khoảng 7.000 người cũng được điều trị vì tai nạn do tăm bông mỗi năm. Những chấn thương này bao gồm: vỡ màng nhĩ, mất thăng bằng và mất thính giác hoàn toàn.
Bác sĩ Simon Bare, chuyên viên tư vấn về tai, mũi, họng tại Bệnh viện Spire Sussex (Anh) cho biết: “Không ít bệnh nhi đã phải nhập viện vì thủng màng nhĩ do dùng tăm bông. Mối nguy hiểm thực sự xuất hiện khi bị ngã mà vẫn có tăm bông trong tai. Tăm bông còn có thể gây tổn thương tới những xương nhỏ của tai. Ngoài ra, dùng tăm bông ngoáy tai còn có thể làm tổn thương xương bàn đạp - một trong những xương nhỏ của tai. Không những thế, tổn thương do tăm bông có thể dẫn tới bị điếc hoàn toàn. Những tổn thương này dù hiếm gặp nhưng vẫn có nguy cơ”.
Một nghiên cứu mới do nhóm các nhà khoa học thuộc Nationwide Children’s Hospital (Viện Nhi Toàn quốc, Mỹ) tiến hành cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2010, 263.000 trẻ đã phải điều trị tại Mỹ do chấn thương liên quan tới tăm bông. Những chấn thương phổ biến nhất liên quan đến tăm bông là ù tai (30%), thủng màng nhĩ (25%) và chấn thương mô mềm (23%). Cảm giác có vật lạ là chẩn đoán thường gặp nhất trong nhóm trẻ tuổi từ 8 đến 17 tuổi. Còn thủng màng nhĩ là chẩn đoán dễ gặp nhất ở trẻ dưới 8 tuổi.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, tổn thương ở màng nhĩ, tai trong do dùng tăm bông gây ra có thể dẫn tới hiện tượng chóng mặt, các vấn đề về thăng bằng và mất thính lực.
Một số cha mẹ thường xuyên có thói quen sử dụng tăm bông lấy ráy tai cho trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, đây là điều không cần thiết và thực sự gây hại cho thính giác của trẻ. Theo chuyên gia, việc sử dụng tăm bông không phải là hành động được khuyến khích bởi ráy tai không quá bẩn hay nguy hiểm với thính giác của trẻ như mẹ vẫn nghĩ.
Các chuyên gia cho biết thêm: Thính giác của chúng ta có khả năng tự làm sạch và sự hiện diện của ráy tai là chuyện hoàn toàn bình thường. Nó có đặc tính bảo vệ, bôi trơn và kháng khuẩn. Mẹ chỉ nên lấy ráy tai bằng khăn ẩm, mềm nếu nhìn thấy chúng ở phần ngoài của tai.
Để thính giác trẻ luôn khỏe mạnh, trước tiên, mẹ cần loại bỏ ngay thói quen xấu sử dụng tăm bông để lấy ráy tai cho con. Trong trường hợp thấy trẻ có biểu hiện khó chịu ở tai, cần tới ngay các cơ sở y tế để nhận được sự trợ giúp của bác sĩ, tuyệt đối không tự đưa tăm bông hay bất cứ dụng cụ nào vào tai của trẻ.
Với trẻ không may đã bị tổn thương do tăm bông hoặc các dụng cụ nào khác thì điều trị y khoa là điều cần thiết. Khi trẻ trên 6 tuổi, mẹ có thể cho trẻ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ nhiên nhiên để tăng cường thính lực, bảo vệ thính giác cho con yêu.
Minh Anh