Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, có tới 47% số người trên 50 tuổi ở quốc gia này khi được hỏi đều cho biết, họ bị nghe kém nhưng không điều trị.

47% người Mỹ trên 50 tuổi nghe kém nhưng không điều trị

Trong một cuộc khảo sát 2.232 thành viên trên 50 tuổi của Hiệp hội Hưu trí Mỹ (AARP) được phối hợp thực hiện với Hiệp hội Ngôn ngữ nghe nói Mỹ (ASHA) cho thấy, có tới 47% người tham gia, mặc dù bị nghe kém nhưng không chịu điều trị.

Cụ thể, khi được hỏi về sức khỏe thính giác thì có 32% người cho biết thính giác của họ không tốt nhưng không điều trị; 15% nói rằng họ gặp khó khăn khi lắng nghe nhưng chưa điều trị; và 1/5 (tức 20%) chia sẻ, họ có vấn đề về thính giác nhưng đã được xử lý; 32% còn lại nói rằng, họ có một thính lực rất tốt. Khi so sánh báo cáo của cả nam giới và phụ nữ, cuộc khảo sát cho thấy, sức khỏe thính giác của phụ nữ có xu hướng tuyệt vời hơn so với nam giới (40% so với 26%).

Trong một câu hỏi liên quan đến sức khỏe thính giác hiện tại của những người tham gia, 52% cho biết thính giác của họ vẫn giống như cách đây 5 năm; 37% nói rằng nó tệ hơn một chút và 9% thì thấy tệ hơn. Trong 10 trường hợp nghe kém thì có 6 người (61% số người được hỏi) đồng ý rằng, họ thấy khó khăn để theo kịp một cuộc trò chuyện ở môi trường ồn ào; thêm 45% đồng ý rằng, thính lực của họ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ; 43% đồng ý rằng, dịp họp gia đình là cuộc gặp mặt rất căng thẳng.

Trong một khía cạnh khác, nghiên cứu này cũng cho thấy, chỉ 43% số người được hỏi cho biết có một cuộc kiểm tra thính giác trong vòng 5 năm trở lại. Đây là mức thấp so với con số kiểm tra thị lực (88%), huyết áp (85%), chụp x quang tuyến vú (85%), kiểm tra lượng cholesterol (85%).

Chủ tịch Hiệp hội Ngôn ngữ nghe nói Mỹ (ASHA), Tiến sĩ Paul R.Rao cho biết: “Lơ là với điều trị khi bị nghe kém là việc làm không nên xem nhẹ. Bởi nó có thể dẫn đến sự cô lập xã hội và thậm chí là trầm cảm”.

 

 

Hữu Đại