Điếc là tình trạng bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 40% người sau 65 tuổi bị giảm thính lực do bộ phận dẫn truyền âm thanh ở tai trong bị thoái hóa hay do bộ phận thần kinh dẫn tín hiệu nghe lên não bị ảnh hưởng trong quá trình lão hóa. Khi thính lực giảm nhiều người cao tuổi có thể gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với người xung quanh. Những ngượng ngùng do không hiểu được các cuộc đối thoại làm cho người bệnh có khuynh hướng ngại tiếp xúc với xã hội dẫn đến cô độc, trầm cảm và thậm chí hoang tưởng rằng mình bị mọi người cô lập và phân biệt đối xử.

Tại sao chúng ta nghe được?

Trong cơ thể con người mỗi cơ quan có những chức năng khác nhau. Mắt để nhìn, mũi để ngửi và tai để nghe. Tai có cấu tạo gồm 3 phần tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Tai ngoài: gồm có vành tai, ống tai ngoài có chức năng định hướng âm thanh và hướng âm thanh thẳng góc với màng nhĩ, màng nhĩ tiếp nhận âm thanh.

Tai giữa: chứa một số bộ phận truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong.

Tai trong: chứa nhiều phần quan trọng của cơ quan nghe như cơ quan corti, dây thần kinh thính giác, hệ thống ốc tai - tiền đình...

Tín hiệu nghe từ tai được truyền lên trung tâm nghe ở não theo dây thần kinh thính giác.

Giảm thính lực là một tiến trình tự nhiên của tuổi già

Theo thống kê điếc ảnh hưởng khoảng 1/3 người có độ tuổi từ 65 đến 74 và khoảng 1/2 số người từ 75 đến 79. Tại Mỹ có khoảng 10 triệu người bị rối loạn thính giác.

Điếc có thể gây ra bởi rối loạn bất kỳ thành phần nào của hệ thống nghe. Trong điếc dẫn truyền sự rối loạn chức năng ảnh hưởng đến sự dẫn truyền âm thanh theo thứ tự từ môi trường bên ngoài đến tai trong và có thể ảnh hưởng bất kỳ cấu trúc nào nằm cạnh cửa sổ bầu dục như màng nhĩ. Điếc tiếp nhận liên quan đến sự rối loạn của chức năng của các thành phần cảm giác nghe (tế bào lông) hoặc cấu trúc thần kinh nghe (thần kinh ốc tai). Trong điếc do thần kinh ốc tai các cấu trúc nằm trong ốc tai bị ảnh hưởng. Trong điếc sau ốc tai, bất kỳ các bộ phận của hệ thính giác trung gian đến ốc tai đều có thể bị ảnh hưởng đặc biệt là ống tai trong hoặc góc cầu tiểu não. Điếc hỗn hợp là sự kết hợp của cả điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận. Điếc trung ương là sự rối loạn chức năng ở các trung tâm thính giác cao hơn ở não.

Ngoài cách phân loại như trên người ta còn phân loại điếc theo nguyên nhân: do bệnh lý ở cơ quan khác, tiếng ồn, nhiễm độc tai, khối u, chấn thương ốc tai và não.

Dạng điếc phổ biến nhất ở người già là tình trạng điếc do tuổi già (presbycusis). Một từ dùng để chỉ điếc của tuổi già và được mô tả như là một dạng điếc mà nguyên nhân chưa được biết rõ.

Điếc ở người già (presbycusis)

Điếc hai bên đối xứng kiểu tiếp nhận thường có liên quan đến tuổi tác. Sự hiện diện, tiến triển và độ trầm trọng của điếc ở người già phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thường thường nam giới bị điếc nặng hơn nữ giới ở cùng lứa tuổi. Tiếng ồn, chế độ ăn, cao huyết áp, các yếu tố về chuyển hóa như tiểu đường..., các yếu tố về di truyền có thể giữ một vai trò quan trọng. Các sang thương ở mạch máu làm giảm tưới máu có thể làm nặng hơn các thay đổi do tuổi tác ở tai trong và hệ thần kinh trung ương bao gồm mất tế bào, giảm hoạt động và giảm dẫn truyền thần kinh.

Thông thường, điếc ở người già bắt đầu ở những âm thanh có tần số cao và chưa ảnh hưởng đến việc hiểu được lời nói. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh không phân biệt được các âm sắc và bắt đầu không nghe được lời nói. Người bệnh thường than phiền rằng không nghe được những giọng nói có âm sắc cao như phụ nữ, trẻ em nhỏ cũng như không nghe được những cuộc đối thoại ở những nơi ồn ào náo nhiệt như nhà hàng, quán nhậu... Người già thường cho rằng người khác nói lắp bắp hơn là công nhận rằng mình bị điếc. Dần dần, việc giao tiếp với người xung quanh đòi hỏi phải hết sức cố gắng. Những ngượng ngùng do không hiểu được các cuộc đối thoại làm cho người bệnh có khuynh hướng ngại tiếp xúc với xã hội dẫn đến cô độc, trầm cảm và thậm chí hoang tưởng rằng mình bị mọi người cô lập và phân biệt đối xử.

Điếc ở người già được chia làm 4 thể khác nhau

* Điếc cảm giác: Điếc thường bắt đầu ở tai giữa, tiến triển chậm chạp. Thính lực đồ cho thấy điếc đột ngột ở các tần số cao và có thể phân biệt rõ rệt các âm sắc.

* Điếc do thần kinh: Thường biểu hiện khá muộn trong đời sống và thường có yếu tố di truyền. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng của thoái hóa thần kinh trung ương như sa sút trí tuệ, mất trí nhớ, không phối hợp được các động tác. Thính lực đồ cho thấy điếc xảy ra ở các tần số rất cao kèm theo phân biệt các tần số âm thanh rất kém.

* Điếc do chuyển hóa: Thường khởi phát ở tuổi trung niên và có khuynh hướng gia đình. Thính lực đồ có dạng bình nguyên và khả năng phân biệt các tần số âm thanh bình thường cho đến khi vượt quá ngưỡng 50dB.

* Điếc do ốc tai: Thường bắt đầu ở tuổi trung niên. Thính lực đồ cho thấy có dạng đối xứng 2 bên và dốc xuống dần.

Xơ cứng tai (otosclerosis): Là nguyên nhân thường gặp của điếc dẫn truyền tiến triển ở người lớn nhưng màng nhĩ bình thường. Bệnh chiếm tỷ lệ 10% ở người da trắng và có tiền căn gia đình trong 50 - 60% trường hợp. Bệnh gây ra do sự cứng khớp của các xương dẫn truyền âm thanh trong bộ phận nghe của tai giữa nên dẫn đến điếc dẫn truyền, tuy nhiên đôi khi hệ thống thần kinh ốc tai cũng bị ảnh hưởng và vì vậy có kèm theo điếc tiếp nhận.

Điều trị bằng cách sử dụng máy trợ thính hoặc có thể được phẫu thuật để sửa chữa các khớp trong thành phần dẫn truyền hay dùng phẫu thuật bắc cầu.

Điếc do chất độc: Một số thuốc chúng ta dùng để chữa bệnh nhưng lại gây độc cho tai. Các thuốc này bao gồm các kháng sinh họ aminoglycoside như streptomycin, kanamycin, neomycin, gentamycin, tobramycin, amikacine và viomycin, các thuốc lợi tiểu ethacrynic và furosemide, salicylates, quinine và chloroquine. Mặc dù cả phần tiền đình và phần tiếp nhận nghe của tai trong đều bị ảnh hưởng, các thuốc streptomycin, gentamycin, viomycin ảnh hưởng chủ yếu đến tiền đình trong khi neomycin, kanamycin và amikacine thì độc với phần nghe của tai hơn.

Salicylate liều cao gây điếc nhưng có thể hồi phục, kèm theo có ù tai, chóng mặt. Triệu chứng thường xuất hiện khi nồng độ trong máu xấp xỉ 35mg/dl. Ethacrynic acid dùng đường tĩnh mạch có thể gây điếc thường xuyên và nếu có dùng kèm với aminoglycoside sẽ làm điếc trầm trọng hơn. Furosemide có thể gây điếc tạm thời...

Người lớn tuổi, đặc biệt là những người đã có điếc hoặc suy thận không nên dùng các thuốc độc cho tai trừ khi có các lý do thuyết phục. Trong những trường hợp như vậy, nên làm thính lực đồ ngay khi bắt đầu dùng thuốc và lập lại để theo dõi và ghi nhận những thay đổi liên quan với thuốc. Các tổn thương ở tiền đình thì xảy ra âm thầm, nhất là ở những bệnh nhân nằm lâu.

Khối u ảnh hưởng thính giác: Một số khối u gần cơ quan thính giác có thể gây điếc.