Lấy ráy tai bằng lửa hiện đang là mốt của nhiều người. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng cách này rất nguy hiểm, nó có thể khiến tai bị viêm, suy giảm thính lực, chóng mặt, thậm chí đó cũng là nguyên nhân gây ù tai, điếc tai.
Lấy ráy tai bằng lửa - một dịch vụ kiểu mới tự phát
Lấy ráy tai bằng lửa được nhiều người coi là một dịch vụ mới theo kiểu Úc. Công nghệ mới này được từ người già đến trẻ nhỏ ưa chuộng bởi cách làm sạch tai khác hoàn toàn với cách lấy ráy tai truyền thống.
Trước khi bắt đầu, người lấy ráy tai sẽ được massage thư giãn, thả lỏng gân cốt. Sau đó, người ta lấy đèn cầy làm từ vải cotton và sáp ong thiên nhiên, rỗng ruột. Một đầu châm lửa, đầu còn lại cắm vào tai để cho khói xông vào. Khi đốt đến 2/3, người ta sẽ lấy đèn cầy ra khỏi tai và một dụng cụ khác “lôi” ráy tai ra dễ dàng.
Theo mô tả thì loại đèn cầy làm bằng sáp ong thiên nhiên là loại đèn cầy đặc biệt. Sau khi đốt cháy, áp lực nóng bên ngoài sẽ đem lại cảm giác thư giãn cho người được xông tai. Sức nóng cũng sẽ tạo ra áp lực hút chân không, làm chệnh lệch áp suất bên trong và bên ngoài vành tai, giúp bụi bẩn sâu bên trong có thể kéo ra một cách nhẹ nhàng, cộng thêm với dầu oliu nhỏ giọt vào trong giúp lấy được nhiều ráy tai hơn.
Lấy ráy tai bằng lửa cũng là một nguyên nhân gây điếc tai
Thực ra, lấy ráy tai bằng lửa còn được gọi là ear-canding, được sử dụng phổ biến ở một số quốc gia như Ai Cập, Trung Quốc… Theo kết quả của cuộc nghiên cứu đăng trên tạp chí y học Laryngoscope (Mỹ) thì ear-canding không thể làm sạch hoàn toàn ráy tai bằng áp lực của lửa. 10% bệnh nhân từng dùng cách này lấy ráy tai đã bị phỏng nhẹ bên ngoài tai hoặc sáp của đèn cầy chảy vào trong tai và có trường hợp còn bị xây xước màng nhĩ. Và ở Việt Nam, việc lấy ráy tai bằng lửa mới du nhập về nên trình độ tay nghề của các nhân viên vẫn còn kém, thao tác chưa đúng kỹ thật. Hơn nữa, cách lấy ráy tai này vốn đã nguy hiểm thì nay càng nguy hiểm hơn.
Theo phó giám đốc Bệnh viên Tai mũi họng TP HCM, ông Võ Quang Phúc cảnh báo rằng, cách lấy ráy tai này rất nguy hiểm. Dù cho với mục đích thư giãn hay làm sạch tai cũng chưa từng được y học nói đến. Sử dụng cách này phải hết sức lưu ý bởi nếu đèn cầy không được sát trùng sẽ dễ gây viêm, nấm tai. Khói đèn cầy khi vào trong tai cũng sẽ gây nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới sức nghe và gây chóng mặt. Ông Phúc cũng khuyên rằng, bởi lấy ráy tai bằng lửa có thể là nguyên nhân gây ù tai, điếc tai vì vậy, các bậc cha mẹ không nên đưa con trẻ đến lấy ráy tai ở các cơ sở này. Nên đến cơ sở y tế tai – mũi - họng để các bác sĩ chuyên khoa xử lý.