Đột nhiên bạn bị ù tai, nghe kém, chóng mặt rồi dần dần nặng tai... Bác sĩ chẩn đoán bạn bị ngộ độc tai. Vậy ngộ độc tai là gì và vì sao bị bệnh?
Nguyên nhân
Tác nhân gây ngộ độc tai là một số thuốc điều trị bệnh hoặc hoá chất gây suy kém chức năng và tổn thương tế bào tai trong, đặc biệt sau ốc tai và các tế bào thần kinh thính giác. Kháng sinh nhóm Aminoglycoside và thuốc lợi tiểu là hai trong số thuốc thường gây ngộ độc tai nhiều nhất.
Ngộ độc tai do kháng sinh
10% trường hợp bị ngộ độc tai do dùng nhóm kháng sinh Aminoglycoside. Nguy cơ bị ngộ độc tai do Aminoglycoside tăng nếu bệnh nhân có trước một trong những yếu tố sau: suy yếu chức năng thận, tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, tuổi già, trước đã điều trị Aminoglycoside, điếc nhẹ trước đó, hoặc đồng thời sử dụng thuốc khác cũng gây ngộ độc tai.
Các kháng sinh khác cũng tuỳ người bệnh sử dụng loại nào như Erythromycin, Vancomycin, Viomycin, Ampicillin... mà bị nghe kém, ù tai tiếng thổi, thỉnh thoảng chóng mặt, nếu dùng quá liều lâu ngày có thể gây điếc thần kinh giác quan không phục hồi, gây hư hại cả ốc tai và tiền đình.
Ngộ độc tai do các loại thuốc khác
Ngộ độc tai do các loại thuốc khác như thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm, thuốc chống sốt rét Quinine, thuốc điều trị ung thư (buồng trứng, tinh hoàn, phổi), thuốc dùng tại chỗ (cá loại thuốc dạng nước hoặc bột nhỏ, thoa trực tiếp vào tai).
Ngộ độc tai do các chất hỗn hợp
Kim loại nặng: Ô nhiễm asen là nguyên nhân gây điếc ở trẻ em. Thuỷ ngân gây điếc ở người lớn và súc vật. Trimethyltin gây những thay đổi về cấu trúc cũng như chức năng của hệ thính giác. Ngoài ra còn một số kim loại như chì, manganese gây giảm nghe và giảm chức năng tiền đình ở người có triệu chứng ngộ độc mangan.
Chất hoà tan hữu cơ:
Tiếp xúc với Trichloroethylene gây suy giảm thần kinh thính giác và tiền đình. Toluene cộng thêm tiếng ồn hoặc các chất hoà tan khác khác làm tăng sự hư hại của ốc tai. Ngoài ra còn một số chất hoà tan hữu cơ khác cũng gây ngộ độc tai như Ttyrene, Xylene, Hexane...
Điếc do ngộ độc tai là điếc thần kinh giác quan. Tuỳ theo liều dùng và một số yếu tố khác mà bệnh nhân có thể bị điếc một hoặc hai tai. Bệnh có thể khỏi, giảm, dừng lại hoặc nặng hơn sau khi đã ngừng tiếp xúc với các tác nhân.
Cánh phòng tránh
Không nên tự dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Trong và sau thời gian dùng thuốc nếu thấy biểu hiện ù tai, nghe kém nên đến ngay bác sĩ kiểm tra.
(Theo Tuổi Trẻ)