Hiện nay theo một thống kê không chính thức thì có đến 70% người có thói quen ngoáy tai dưới nhiều hình thức. Đa số mọi người thường sử dụng que có đầu bông phía trên để thấm hút nước bên trong sau khi tắm, đi bơi… Nhiều người lại hay sử dụng đầu nhọn của các dụng cụ lấy ráy tai để tự làm sạch đôi tai với mong muốn giúp thính giác tốt hơn, nhiều trường hợp là để thỏa mãn khi tai bị ngứa ngáy, khó chịu. Nhưng thực tế đằng sau thói quen ngoáy tai này là gì vậy?
Tai sạch quá có phải là tốt?
Bình thường, phần ống tai sẽ có lớp lông bảo vệ giúp tai tự cuốn bụi bặm và chất thải rồi đưa ra ngoài. Thế nên khi chúng ta ngoáy tai, lớp lông bảo vệ bị rụng, da bị trầy làm mất khả năng tự “quét” bụi và tạo cơ hội cho vi trùng phát triển, dẫn đến viêm tai. Việc ngoáy tai, dù ít hay nhiều đều gây những chấn thương cho tai do sự ma sát.
Bên cạnh đó, ngay cả phần ráy tai mà mọi người luôn nghĩ là bẩn và phải lấy ra ngoài cũng có công dụng riêng của nó. Cụ thể là ráy được hình thành do chất nhờn trong tai trộn lẫn với các tế bào chết. Nó đóng vai trò như một "vệ sĩ" ngăn chặn côn trùng, bụi bặm… đe dọa thính giác. Do đó, việc ngoáy tai sẽ vô tình đẩy cục ráy càng lúc càng vào sâu hơn dần dần gây tích tụ nhiều, tạo nên nút ráy tai và đây mới chính là nguyên nhân khiến thính giác của chúng mình càng lúc càng kém hơn.
* Hậu quả của thói quen ngoáy tai:
Điều đầu tiên có thể kết luận rằng việc ngoáy tai nhiều là một trong những nguyên nhân chính gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da. Kết quả là chúng mình sẽ rất dễ bị viêm ống tai. Trong khi đó, khi khối ráy tai bị đẩy vào sâu trong ống tai thì nó sẽ bị ấn sát vào màng nhĩ gây đau tai tùy thuộc vào độ cứng của cục ráy tai bên trong.
Ngoài ra, ngoáy tai cũng có thể đưa thêm vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào da ống tai, nhất là khi dụng cụ lấy ráy tai không được vệ sinh, diệt khuẩn. Đặc biệt, với những người lấy ráy tai thường xuyên dùng dụng cụ kim loại để lấy ráy tai thì còn có thể gây ra chứng chảy máu tai do rách da ống tai.
* Giải pháp:
Các chuyên gia tai mũi họng khuyên rằng, khi gặp tình trạng ngứa tai thì tốt nhất hãy nên xoa bóp nhẹ ở vành tai ngoài thay vì cho dụng cụ vào bên trong để ngoáy. Nếu tình trạng ngứa không thuyên giảm thì chứng tỏ ống tai đã bị tổn thương. Lúc này, mọi người hãy sử dụng thuốc nhỏ tai (có bán ngoài hiệu thuốc) nhỏ vào tai trong khoảng 5 – 10 phút rồi dốc ngược để nước dư chảy ra ngoài. Thực hiện liên tục trong 1 tuần mà bệnh chưa hết thì bệnh nhân phải mau chóng đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được điều trị.
Trong trường hợp để nước vô tình vào trong ống tai khi tắm hoặc bơi gây cảm giác ù tai thì nên lấy que tăm bông đặt nhẹ vào trong ống tai, để yên trong vòng 5 phút. Nước sẽ bị bông khô tự động hút hết chứ các ấy không nên lau chùi nhiều.
Một lưu ý quan trọng nữa là mọi người tuyệt đối không dùng những vật sắc nhọn như tăm xỉa răng, kẹp tóc… để ngoáy vì dễ gây trầy xước lớp da mỏng của tai, tổn thương các tế bào nghe ở trong tai.