Điếc tiếp nhận là tình trạng khá phổ biến và gây ra nhiều ảnh hưởng tới tâm lý cũng như cuộc sống của người mắc. Mời bạn tìm hiểu những thông tin chi tiết trong bài viết sau.
Điếc tiếp nhận là gì?
Tai chúng ta được chia làm 3 phần, bao gồm: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Mỗi bộ phận đều có chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Tai ngoài và tai giữa có chức năng dẫn truyền, còn tai trong có nhiệm vụ tiếp nhận âm thanh.
Điếc tiếp nhận là tình trạng bộ phận dẫn truyền bên ngoài vẫn hoạt động bình thường nhưng các cơ quan ở tai trong bị tổn thương nên không thể tiếp nhận âm thanh được truyền vào. Điếc tiếp nhận có thể ảnh hưởng tới thính lực theo nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng, thậm chí có thể gây điếc sâu, điếc hoàn toàn khiến người bệnh phải giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Nguyên nhân điếc tiếp nhận
Như đã nói ở trên, điếc tiếp nhận là tình trạng tổn thương cấu trúc mỏng manh ở tai trong. Các nguyên nhân có thể làm tổn thương tai trong bao gồm:
- Do lão hóa: Điếc tiếp nhận thường ảnh hưởng đến phần lớn những người trên 60 tuổi. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây điếc tiếp nhận. Lão hóa khiến chức năng của ốc tai và các đường dẫn thần kinh liên quan đến não bị suy giảm, làm ảnh hưởng đến độ nhạy của thính giác đối với âm thanh, khiến việc hiểu lời nói trở nên khó khăn hơn. Điếc do lão hóa còn khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng ù tai, có tiếng kêu trong tai.
- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Tiếp xúc với tiếng ồn quá mức làm các tế bào cảm giác mỏng manh trong ốc tai bị tổn thương và cuối cùng là gây điếc. Càng tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài thì nguy cơ điếc tiếp nhận của bạn càng cao. Điếc do tiếng ồn chủ yếu liên quan đến nghề nghiệp hoặc thói quen nghe nhạc với âm lượng quá lớn bằng tai nghe.
- Mắc bệnh tim mạch: Bệnh khiến lượng máu cung cấp cho tai trong hoặc trung tâm thính giác ở não bị giảm hay ngừng hoàn toàn. Điều này khiến ốc tai bị tổn hại nghiêm trọng và gây điếc tiếp nhận.
- Mắc bệnh truyền nhiễm: Sởi, quai bị, viêm màng não, thủy đậu, cúm,… là những bệnh truyền nhiễm dễ gây điếc nhất. Vì vậy, bạn cần áp dụng những biện pháp tăng cường thính lực thật tốt để phòng ngừa khả năng điếc tai có thể xảy ra.
- Sử dụng thuốc: Sử dụng thuốc gây độc cho tai có thể làm ảnh hưởng tới tế bào lông và dây thần kinh ở tai trong, khiến bạn bị điếc tiếp nhận. Các loại thuốc dễ gây điếc tiếp nhận nhất có thể kể tới như: Thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc chống trầm cảm,…
- Di truyền: Điếc tiếp nhận cũng thường gặp ở trẻ sơ sinh do di truyền. Điếc có thể là triệu chứng của các bệnh di truyền như: Hội chứng Ushers,...
- Có khối u ở tai trong: Đây thường là khối u lành tính được gọi là u dây thần kinh thính giác. Nó thường phát triển rất chậm, chèn ép dần dần dây thần kinh thính giác và ảnh hưởng đến khả năng nghe.
- Viêm tai: Viêm tai có thể ảnh hưởng tới các bộ phận ở tai trong và gây điếc tiếp nhận.