Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em với tần suất 1/10. Viêm tai giữa ứ dịch là nguyên nhân hàng đầu làm giảm sức nghe, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tiếng nói, học tập, tới sự phát triển trí thông minh của trẻ.

Nếu không được điều trị, bệnh có thể làm nền cho những đợt tái phát của viêm tai giữa cấp hoặc dẫn đến viêm tai xương chũm có cholesteatoma; từ đó có thể gây ra các biến chứng đặc biệt nguy hiểm. Mặt khác, viêm tai giữa ứ dịch có thể tiến triển tới các bệnh lý mạn tính của tai giữa như viêm tai xơ dính, xẹp nhĩ... dẫn đến di chứng điếc không hồi phục ở giai đoạn sau.

Triệu chứng cơ năng chủ yếu của bệnh là nghe kém, không có các dấu hiệu khác về bệnh học tai như đau tai, chảy mủ tai. Vì thế, bệnh thường bị bỏ qua trong nhiều tháng nhiều năm, vì trẻ nhỏ nên khó phát hiện nghe kém. Các cách chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch gồm:

- Soi tai: Trong đa số trường hợp, màng tai không có biến đổi rõ rệt, không thủng. Hiếm khi thấy bóng hơi hoặc mức nước, mức hơi trong hòm tai. Nếu dùng soi tai có bơm khí sẽ thấy màng tai kém di động hoặc không di động. Đây là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh.

- Đo nhĩ lượng sẽ xác định được chẩn đoán bệnh.

- Đo thính lực: Là biện pháp cần thiết để biết mức độ bệnh trước khi chỉ định điều trị.

Để phòng chống bệnh, bố mẹ và cô nuôi dạy trẻ phải biết cách phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp trên - nguy cơ hàng đầu dẫn đến viêm tai giữa ứ dịch. Đưa con đi khám và kiểm tra thính lực sớm khi thấy trẻ có biểu hiện gián tiếp của nghe kém như: học hành giảm sút, thay đổi tính nết, thiếu tập trung trong khi giao tiếp, bướng bỉnh, không vâng lời... Ngoài ra, cần giải quyết sớm các ổ viêm ở đường hô hấp trên có thể gây viêm tai giữa: nạo VA, làm khô mũi cho những trẻ chảy mũi kéo dài... Những trẻ có nguy cơ cao như nhiễm khuẩn hô hấp trên kéo dài, sau đợt viêm tai giữa cấp, trẻ sứt môi, hở hàm ếch… cần được kiểm tra nhĩ lượng và thính lực.

TS Nguyễn Thị Hoài An, Sức Khỏe & Đời Sống