Theo y học cổ truyền phương Ðông cơ thể con người là một vũ trụ thu nhỏ. Và trong cái vũ trụ thu nhỏ đó, đôi vành tai của bạn lại là một tiểu vũ trụ nữa trong cơ thể. Có thể ví như một mô hình âm dương đang ngày đêm xoay vần, chuyển dịch ngay trong cái vũ trụ thu nhỏ là chính con người chúng ta - Cùng tồn tại, xoay vần, cùng biến hóa với con người, tự nhiên và năm tháng! Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa kì diệu của đôi vành tai (nhĩ châm) này.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA NHĨ CHÂM

Nhĩ châm có một lịch sử phát triển dài lâu. Trong Nội kinh, một cuốn sách y kinh điển đã có từ trước công nguyên, các bậc tiền nhân đã quan niệm rằng: "Thập nhị kinh mạch vu nhĩ chi tụ hội", ý nói 12 kinh mạch chính trong cơ thể con người đều tụ hội ở đôi tai. Sách Linh khu và khí tạng phủ bệnh hình có ghi: "12 kinh mạch, 365 lạc, huyết khí của chúng ta đều đi lên mặt và đến các khiếu, các liệt khí của chúng đều đi đến tai...". Các kinh dương đều có liên quan đến tai, các kinh âm thì thông qua những kinh biệt hợp lại ở kinh dương và cũng tương ứng với các bộ phận của tai. Sách Tố vấn mục thích luận có ghi lại: "Thiếu âm, thái âm ở tay, chân và 5 lạc dương minh đều gặp nhau ở tai trong". Trong hệ thống y học cổ truyền phương Ðông, có tới 9 huyệt như thính cung, thính hội, nhĩ môn, nhĩ tiêm... của các kinh mạch tập trung quanh tai.

Ngược theo dòng thời gian, chúng ta có thể ghi nhận một số mốc lịch sử: Vào những năm 430 TCN, Hipocrates, được coi là ông tổ của nghề y, trong cuốn "Bàn về sinh sản" cũng đã nói đến kinh nghiệm của người Ai Cập châm loa tai ở phụ nữ để giảm hoạt lực của tinh trùng. Biển Thước, Tần Việt Nhân (407-310 TCN) là các danh y Trung Hoa đã châm loa tai để cấp cứu đột tử. Cuốn "Những thành tựu về y học kỳ lạ của Valsalva" có đề cập đến phương pháp đốt loa tai để điều trị chứng đau thần kinh tọa. Ở Việt Nam, nhân dân các vùng thiểu số cũng thường áp dụng một số biện pháp tác động trên loa tai để chữa sốt cao, viêm họng...

Thận được coi là đứng đầu ngũ tạng trong cơ thể, có chức năng khai khiếu ra tai. Sách Kinh khu mạch đồ cho rằng "Thận khí thông ra tai". Thận hư sẽ gây ảnh hưởng đến thính lực, làm cho tai ù, tai điếc... Các y gia đời trước cho rằng những bộ phận của tai đều có liên quan đến các tạng phủ. Ðến năm 1956, Pon Nogier, một châm cứu gia người Pháp đã phát hiện sự liên quan giữa vành tai với một số căn bệnh. Những phát hiện đầu tiên đó của Nogier cũng đưa ra một sơ đồ nói lên mối liên quan mật thiết giữa các cơ quan, tạng phủ trong cơ thể với vành tai. Trong báo cáo đầu tiên vào năm 1956, 26 huyệt đã được Pon Nogier đưa ra, tới năm 1975, ông đã phát hiện tới 78 huyệt. Có thể nói, những nghiên cứu của Pon Nogier như một phát kiến mới, độc lập với những hiểu biết về nhĩ châm của y học dân gian Trung Quốc.

HIỆU QUẢ CỦA NHĨ CHÂM

Có thể nói, châm cứu trên loa tai là một phương pháp của châm cứu cổ truyền đã được nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Ai Cập, Ý, Bồ Ðào Nha, Nga và cả Việt Nam nghiên cứu áp dụng vào chẩn đoán, điều trị, dự phòng. Ngày nay, trong thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến, nghiên cứu và phát triển nhĩ châm vẫn là một vấn đề đang phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Có nhiều biện pháp tác động lên loa tai để chữa bệnh như xoa sát vành tai, châm cứu, đốt bấc, thủy châm, chiếu tia laser, đặt viên từ, dán cao thuốc... Trong từng trường hợp cụ thể, thầy thuốc sẽ áp dụng những phương pháp nhất định để đạt mục đích. Các thầy thuốc Việt Nam trong lần công tác tại Cuba cũng đã áp dụng nhĩ châm để chữa viêm quanh khớp vai cho các bệnh nhân người Cuba. Một trường hợp bệnh nhân là nữ đồng nghiệp người Cuba đã được nhĩ châm, tác dụng giảm đau rất rõ ràng và thậm chí sau liệu trình châm cứu, mỏ gai xương trên phim X-quang của bệnh nhân cũng biến mất! Trong y văn cũng đã mô tả một trường hợp bệnh nhân thủng dạ dày, được nhĩ châm đã cho kết quả giảm đau rõ rệt. Tuy nhiên nên lưu ý, trong các bệnh ngoại khoa, chỉ nên áp dụng châm cứu khi chẩn đoán đã rõ ràng. Một người bệnh đau thần kinh tọa, chỉ bằng một mũi châm vào huyệt tọa cốt ở vành tai, cảm giác nóng ấm sẽ truyền lan đến thắt lưng và chân đau của bệnh nhân. Và chỉ với một lần châm ấy, người bệnh có cảm giác thật sự dễ chịu, mọi đau đớn dường như tan biến. Ở một bệnh nhân khác đã được bệnh viện chẩn đoán là viêm dây thần kinh số V, thầy thuốc châm cứu đã sử dụng biện pháp điều trị châm thần môn, giao cảm - là hai huyệt có tác dụng chống viêm giảm đau mạnh. Chỉ sau một thời gian điều trị, căn bệnh đã thuyên giảm rõ rệt. Ngoài ra trong dân gian còn lưu truyền cách chích lể huyệt nhĩ tiêm ở đỉnh vành tai để chữa bệnh chắp lẹo cũng là một kinh nghiệm hay.

Ðể chẩn đoán huyệt (dò huyệt) trên loa tai, người ta có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Khi các nhà khoa học phát hiện rằng các huyệt là những điểm dẫn điện tốt thì thông qua sự thay đổi điện trở ở huyệt, máy chẩn đoán huyệt đã ra đời. Ở nước ta cũng đã chế tạo một số máy có chức năng chẩn đoán huyệt như máy Therapul 2.

Nếu không có máy dò huyệt, bạn có thể sử dụng ngay một đầu ống thuốc tiêm để tìm huyệt. Ðây là phương pháp rất đơn giản, dựa trên cơ sở khi ấn ép vào đúng huyệt thường gây cho bệnh nhân cảm giác đau, căng tức khác thường...

CHẨN ÐOÁN BỆNH QUA VÀNH TAI

Nghiên cứu của Pon Nogier cũng cho thấy, các cơ quan trong cơ thể đều có những vùng tương ứng trên vành tai. Và trên cơ sở sơ đồ các vùng cơ thể, người ta có thể chẩn đoán được bệnh hay còn gọi là nhĩ chẩn. Trong quá trình hành nghề y, chúng tôi được ghi nhận ca bệnh sau: Vào năm 1990, một bệnh nhân cũng là thầy thuốc, giám đốc một bệnh viện lớn ở tỉnh QN, sau khi đi làm chuyên gia nước ngoài về có triệu chứng bị đau dạ dày, đã dùng các thuốc chữa đau dạ dày như Cimetidin... nhưng không khỏi. Khi được nhĩ chẩn, vùng gan và vùng dạ dày đều có phản ứng nhưng vùng gan có phản ứng mạnh hơn. Chính vì vậy ông được khuyên nên đi kiểm tra lại về gan. Bản thân ông cũng cho rằng mình không thể bị bệnh gan. Vài ngày sau đó, do bệnh đau dạ dày không thuyên giảm, ông phải vào bệnh viện Việt - Xô khám và điều trị. Siêu âm chẩn đoán đã cho thấy hình ảnh khối u trong gan. Khi mổ, giáo sư giải phẫu cho biết dạ dày bị dính vào bề mặt khối u ở gan và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày kéo dài. Qua trường hợp trên, cho thấy nhĩ chẩn có thể giúp ta định hướng chẩn đoán trong một số trường hợp khó. Trên thực tế, các nhà khoa học một số nước cũng đã khẳng định vai trò của nhĩ chẩn (chẩn đoán trên vành tai). Trước đây, y văn của Nga cũng có ghi nhận việc chẩn đoán sớm bệnh nhân mắc bệnh xơ gan dựa vào chẩn đoán trên loa tai.

 

Theo ykhoa.net