Viêm tai ngoài thường gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước và sinh hoạt ở môi trường ẩm ướt. Bệnh gây ra nhiều đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, nếu nặng có thể gây tử vong.

Biến chứng nguy hiểm khi bị viêm tai ngoài

Bởi tai có cấu tạo khá đặc biệt với 3 ngăn: ngoài, giữa và trong. Phần tai ngoài và tai bên trong được ngăn cách bởi màng nhĩ, vì vậy, nếu màng nhĩ bị trầy xước hoặc bị thủng, nước sẽ lọt vào ống tai ngoài dễ tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở dẫn đến gây viêm nhiễm nặng nề.

Những đối tượng thường bị viêm tai ngoài là những người thường xuyên đi bơi, đi lặn, tiếp xúc thường xuyên với môi trường nước. Kể cả những người có hành động ngoáy tai nếu lỡ để nước lọt vào ống tai trong khi tắm rửa, gội đầu.

Một số người thường có thói quen ngoáy tai khi nước lọt vào bên trong, tuy nhiên hành động này dễ gây xây xước da ống tai, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập từ đó dẫn tới sưng, viêm, phù nề. Thậm chí khi tai bị đau, bị viêm nhiều người còn cho rằng nên ngoáy tai lấy gỉ và mủ xanh ra thì tai sẽ trở về trạng thái bình thường. Nhưng điều này khiến cho tai bị đau hơn, sưng viêm năng hơn và mủ xanh rỉ ra nhiều hơn. Nếu nặng dẫn tới nhiễm trùng tai gây viêm tai ngoài cấp tính

Viêm tai ngoài cấp tính sẽ nặng hơn nếu bệnh lan tới xương thái dương, khớp thái dương hàm, tuyến nước bọt… Sau đó nó sẽ tiếp tục lan tới xương sọ, làm liệt liên tiếp các dây thần kinh dẫn đến tử vong. Những trường hợp bị viêm tai ngoài cấp tính thường do chủ quan, chỉ khi bị liệt mặt mới được phát hiện nên việc cứu chữa rất khó khăn.

Cách phòng tránh viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài một khi không được chữa trị kịp thời và triệt để có thể gây điếc tai, thậm chí là tử vong vì thế việc phòng tránh bệnh là vô cùng cần thiết.

Sau khi tắm gội nên dùng máy sấy sấy khô ống tai, sau đó dùng thuốc nhỏ tai theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không dùng tăm bông để ngoáy tai, nếu muốn làm sạch tai nên có sự hỗ trợ từ bác sĩ. Trong trường hợp đang bị viêm tai tuyệt đối không nên bơi lội hoặc phòng tránh nước lọt vào ống tai.

Với những người thường xuyên bơi lội, khi đi bơi nên trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ nhất là nút tai, sau khi bơi cũng nên tiến hành lau khô tai, thực hiện các thao tác để nước trong tai ra khỏi cơ thể. Sau đó tiến hành dùng dung lịch sát trùng để vệ sinh tai sạch sẽ. Đồng thời nên chọn những hồ bơi có nguồn nước sạch sẽ, thường xuyên được thay nước, tránh bơi lội ở những hồ bơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Ngân Hoa