Viêm tai xương chũm là tình trạng có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau. Tùy thuộc vào mỗi trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định riêng, dùng thuốc nội khoa hoặc phẫu thuật để giúp bệnh nhanh chóng được cải thiện. Vậy viêm xương chũm là gì và đâu là các loại thuốc điều trị viêm tai xương chũm hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau!

Viêm tai xương chũm là gì và nguyên nhân do đâu?

Một trong những cấu trúc quan trọng nhất của tai trong là xương chũm (xương mastoid). Xương chũm nhận không khí từ các bộ phận khác của tai, bao gồm ống Eustachian để hoạt động tốt. Ống Eustachian là bộ phận nối tai giữa với phần sau của cổ họng. Nếu nhiễm trùng phát triển ở tai giữa sẽ ngăn chặn ống eustachian, dẫn đến nhiễm trùng ở xương chũm. Tình trạng này được gọi là viêm tai xương chũm.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tai xương chũm là do nhiễm trùng tai giữa không được điều trị. Nó có thể lan đến tai trong, xâm nhập vào các túi của xương chũm và gây viêm. Điều này có thể làm cho xương chũm bắt đầu tan rã. Mặc dù tình trạng này phổ biến nhất ở trẻ em nhưng nó cũng có thể xảy ra ở người lớn.

Thuốc chữa viêm tai xương chũm cấp tính

Nếu như trước đây, việc điều trị viêm tai xương chũm cấp tính chủ yếu là sử dụng phương pháp phẫu thuật thì ngày nay, các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm đã được sử dụng rộng rãi giúp hạn chế việc phải can thiệp ngoại khoa. Các loại thuốc điều trị viêm tai xương chũm cấp tính bao gồm:

- Thuốc kháng sinh: Khi bị viêm tai xương chũm, bạn sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Nhóm kháng sinh thường được dùng là cephalosporine các thế hệ. Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng. Bác sĩ có thể chỉ định bằng cách tiêm, sau đó tiếp tục điều trị bằng các loại thuốc uống tùy theo tình trạng bệnh của bạn.

Nhóm thuốc này có thể gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm hiếm gặp như: Viêm da tróc vảy, mụn mủ ngoài da toàn thân, hoại tử da... Do vậy, bạn cần chú ý theo dõi, phát hiện triệu chứng và thông báo với bác sĩ để được điều trị sớm.

- Thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac...) là các loại thuốc thường dùng mang đến tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Tuy nhiên, nếu đang bị viêm loét dạ dày, hen,… thì bạn nên cân nhắc trước khi sử dụng chúng.

- Thuốc nhỏ tai tại chỗ: Thuốc nhỏ tai tại chỗ được chia làm hai loại chính tùy thuộc vào thành phần của thuốc. Đó là thuốc nhỏ dành cho trường hợp bị viêm xương chũm không thủng màng nhĩ và viêm xương chũm thủng màng nhĩ.

+ Trường hợp viêm xương chũm thủng màng nhĩ đang trong giai đoạn sung huyết, có thể được chỉ định dùng thuốc nhỏ tai kết hợp với kháng sinh, kháng viêm như: Polydexa, cortiphenicol,...

+ Trong trường hợp viêm tai bị thủng màng nhĩ thì có thể sử dụng thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh an toàn hơn cho ốc tai như: Effexin, rifamycin,...

- Thuốc nhỏ mũi: Để làm sạch hốc mũi, họng, tai giữa, giúp cho việc phục hồi niêm mạc tai trong dễ dàng hơn và dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc nhỏ mũi với tác dụng chính là chống sung huyết, giảm phù nề, chống viêm, co mạch. Các loại thuốc thường được sử dụng là sunfarin, xylomethazoline, collydexa, naphtazoline,...

Thuốc chữa viêm tai xương chũm mạn tính

Viêm tai xương chũm mạn tính có hai loại là viêm tai xương chũm không nguy hiểm và viêm tai xương chũm nguy hiểm. Loại viêm tai xương chũm mạn tính nguy hiểm điển hình là viêm tai giữa có cholestetoma - là chất ăn mòn xương và có thể vào não gây viêm màng não, áp-xe não - loại này bắt buộc phải phẫu thuật.

Với viêm tai xương chũm mạn tính không nguy hiểm, có thể điều trị nội khoa và sử dụng thuốc giống như viêm tai xương chũm cấp. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp cần chú ý không tự ý dùng thuốc vì dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm, khó  hồi phục, có thể dẫn đến điếc vĩnh viễn.