Tai bị ù khó nghe là tình trạng khá phổ biến gây nhiều ảnh hưởng tới tâm lý và cuộc sống của người mắc. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe trong cơ thể. Vậy tai bị ù khó nghe là triệu chứng của bệnh gì và làm sao để khắc phục hiệu quả nhất. Mời bạn tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau đây.
Tai bị ù khó nghe là gì?
Ù tai kèm khó nghe là tình trạng bạn vừa nghe thấy những âm thanh ảo giác như tiếng ù ù, e e,... lại vừa cảm thấy khó nghe âm thanh từ môi trường bên ngoài. Chứng ù tai, khó nghe có thể xuất hiện theo nhiều cách, ở một hoặc cả hai tai với mức độ to, nhỏ khác nhau. Thông thường, tình trạng này xảy ra nặng hơn vào ban đêm khi không gian yên tĩnh. Ù tai, khó nghe gây ảnh hưởng không nhỏ tới giao tiếp, công việc hàng ngày và chất lượng cuộc sống của người mắc.
Nhiều thống kê cho thấy, có khoảng 50 - 60 triệu người Hoa Kỳ đang bị ù tai, nghe kém. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị ù tai cũng không ngừng gia tăng.
Tai bị ù khó nghe là triệu chứng của bệnh gì?
Ù tai, khó nghe đôi khi không phải là bệnh mà là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó trong cơ thể. Theo các chuyên gia, ù tai, nghe kém có thể là triệu chứng của những bệnh lý sau:
- Viêm tai giữa: Viêm tai giữa là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Thông thường, ù tai sẽ được cải thiện nếu như tình trạng nhiễm trùng được giải quyết. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, viêm tai giữa gây tổn thương thính giác nặng hoặc ù tai kéo dài.
- Mắc các bệnh về mạch máu: Những thay đổi trong lưu lượng máu, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc thiếu máu có thể là nguyên nhân gây ù tai. Mắc các bệnh về mạch máu thường gây kiểu ù tai mạch đập, khi đó, bạn sẽ có cảm nhận về nhịp đập của tim ở bên trong tai.
- Mắc các bệnh về thận: Theo đông y, thận khai khiếu ra tai, chức năng, sức khỏe của thận ảnh hưởng trực tiếp đến thính lực. Theo thuyết y học cổ truyền: “Thận khí kém thì tai ù, kém quá thì tai điếc”. Do đó, khi mắc các bệnh về thận sẽ khiến nó không thể làm tốt chức năng của mình và gây ra nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe, trong đó có ù tai, khó nghe.
- Bệnh Meniere: Bệnh Meniere là một rối loạn ở tai trong gây ra những cơn chóng mặt tự phát, có cảm giác xoay tròn, kèm theo sự mất thính lực, ù tai, đôi lúc gây cảm giác căng tức trong tai. Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định chắc chắn, nhưng nó có thể đến từ yếu tố di truyền và những người mắc tiền sử đau nửa đầu từ trước đó dễ bị bệnh Meniere hơn.
- Chấn thương vùng đầu, cổ: Tổn thương nặng ở đầu hoặc cổ có thể làm tổn hại dây thần kinh, lưu lượng máu và các vấn đề khác, từ đó dẫn đến chứng ù tai. Khi bị chấn thương ở đầu, cổ, rất có thể bạn sẽ gặp phải hiện tượng như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ù tai…
- Rối loạn khớp thái dương hàm: Nguyên nhân gây ù tai có thể đến từ chứng rối loạn khớp thái dương hàm. Các khớp thái dương hàm là nơi hàm dưới kết nối với hộp sọ và nằm ở phía trước của tai. Khi những khớp này bị rối loạn sẽ gây ảnh hưởng đến dây chằng hoặc sụn trong và có thể dẫn đến triệu chứng ù tai, đặc biệt là lúc nhai hoặc nuốt.
Làm sao để khắc phục tình trạng bị ù tai khó nghe
Ù tai, nghe kém không được điều trị sớm có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và các mối quan hệ xã hội của người mắc. May mắn là có nhiều cách để cải thiện tình trạng này tại nhà. Một số phương pháp bạn có thể áp dụng như sau:
- Giữ cho tai luôn khô ráo: Tai có độ ẩm cao sẽ dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng và khiến tai bạn bị ù. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng, cả 2 tai của bạn luôn khô ráo, tránh để nước lọt vào tai khi tắm hoặc bơi.
- Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Tiếng ồn lớn có thể khiến tình trạng ù tai, nghe kém tiến triển nặng hơn. Vì vậy, bạn nên sử dụng thiết bị bảo vệ mỗi khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Nếu nghe nhạc, hãy áp dụng quy tắc 60/60. Tức là không nghe nhạc có âm lượng quá 60% mức tối đa và không dùng tai nghe quá 60 phút mỗi ngày.
- Thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn: Nếu đang bị ù tai, khó nghe, bạn nên thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt của mình để giảm các triệu chứng khó chịu. Cụ thể như: Hạn chế hoặc ngưng dùng các loại đồ uống có cồn hay chứa caffeine; Hạn chế dùng aspirin, các sản phẩm có chứa aspirin, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs); Không hút thuốc lá hoặc sản phẩm tương tự khác; Tập thể dục thường xuyên giúp máu lưu thông đến tai được tốt hơn.
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá gây hại cho lưu lượng máu đến các tế bào thần kinh nhạy cảm kiểm soát thính giác và hoạt động như một chất kích thích trong cơ thể. Điều này có thể làm cho tiếng kêu trong tai nghe to hơn.
- Giảm căng thẳng: Bạn sẽ cảm thấy tình trạng ù tai càng nghiêm trọng hơn khi gặp căng thẳng hay cơ thể mệt mỏi. Chính vì vậy, hãy kiểm soát căng thẳng thật tốt và luôn giữ tinh thần thoải mái để cải thiện ù tai hiệu quả.
Tai bị ù khó nghe có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý trong cơ thể nên bạn cần khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt.