Viêm tai giữa thủng màng nhĩ là một trong những bệnh về tai phổ biến. Tình trạng này không được điều trị sớm có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người mắc. Vậy viêm tai giữa thủng màng nhĩ có gây điếc tai, nghe kém không? Mời bạn tìm hiểu thông tin trong bài viết sau!
Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý về tai phổ biến. Bệnh hình thành do sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa. Dấu hiệu thường gặp của viêm tai giữa là đau tai, sau đó chảy nước trong tai và sức nghe giảm. Ngoài ra, có những dấu hiệu ít gặp khác như ù tai, chóng mặt. Có trường hợp sốt, sưng sau tai, chán ăn và khó ngủ…
Viêm tai giữa không được điều trị sớm sẽ chuyển sang giai đoạn ứ dịch, dịch quá nhiều sẽ tạo áp lực và làm thủng màng nhĩ. Màng nhĩ là bộ phận ngăn cách tai ngoài và tai giữa. Thủng màng nhĩ không phải tình trạng quá nguy hiểm và có thể được chữa khỏi nếu áp dụng đúng cách. Tuy nhiên, nếu chậm trễ trong quá trình điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe
Viêm tai giữa thủng màng nhĩ có gây điếc tai không?
Theo các chuyên gia, khi bị viêm tai giữa dẫn đến thủng màng nhĩ sẽ khiến bạn bị ù tai, đau nhói trong tai, chóng mặt và gây điếc. Tuy nhiên, không phải cứ bị viêm tai giữa thủng màng nhĩ là sẽ bị điếc mà còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương màng nhĩ của mỗi người.
Bạn nên biết, màng nhĩ có hai chức năng chính, đó là cảm nhận rung động sóng âm thanh và chuyển đổi rung động đó thành những xung thần kinh, truyền âm thanh đến não. Khi màng nhĩ bị thủng sẽ khiến nó không thể thực hiện tốt chức năng của mình, làm cho âm thanh truyền dẫn tới não không được thông suốt, mạch lạc.
Trong trường hợp bị thủng nhẹ, nếu biết giữ gìn và áp dụng biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng viêm nhiễm thì màng nhĩ có thể tự liền và ít ảnh hưởng tới thính lực. Tuy nhiên, với trường hợp thủng màng nhĩ lớn sẽ làm mất cơ chế đòn bẩy để tăng áp suất âm thanh, gây ra tình trạng giảm thính lực từ khoảng 20 - 30 dB, thậm chí có thể khiến bạn bị điếc hoàn toàn.
Như vậy, nếu viêm tai giữa gây thủng màng nhĩ ở mức độ nhẹ thì không khiến bạn bị điếc mà chỉ làm sức nghe giảm. Trong một vài trường hợp, do không có biện pháp điều trị sớm mà tình trạng viêm tai giữa và thủng màng nhĩ ngày càng nghiêm trọng, sẽ khiến các bộ phận ở tai giữa, tai trong chịu tổn thương thì có thể gây điếc nặng.
Cách vệ sinh tai khi bị viêm tai giữa kèm thủng màng nhĩ
Theo các chuyên gia, với người bị viêm tai giữa và thủng màng nhĩ thì việc vệ sinh tai là một khâu vô cùng quan trọng. Nếu tai được vệ sinh tốt, đúng cách sẽ tránh được viêm nhiễm, giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu vệ sinh tai không tốt sẽ vô tình khiến tình trạng bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn. Nếu bị viêm tai giữa thủng màng nhĩ, bạn có thể tự vệ sinh tại nhà theo cách sau:
Chuẩn bị: 1 chiếc khăn mềm, nước ấm, nước muối sinh lý.
Cách thực hiện:
- Pha nước muối sinh lý cùng nước ấm.
- Nhúng khăn sạch vào hỗn hợp nước đã pha, sau đó vắt cho khăn thật khô. Dùng khăn lau sạch sẽ phần tai ngoài.
- Tiếp theo, bạn dùng nước muối sinh lý nhỏ vào tai. Bạn có thể dùng thuốc rửa tai chuyên dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nhỏ tai bằng cách như sau: Nghiêng đầu để tai bị viêm ở phía trên và nhỏ nước muối sinh lý vào ống tai. Giữ yên đầu trong khoảng 1 – 3 phút, sau đó nghiêng ngược lại để nước dư thừa bên trong chảy ra ngoài. Cuối cùng, dùng khăn sạch lau lại một lần nữa. Bạn nên thực hiện cách vệ sinh này khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày để ống tai luôn sạch sẽ, tránh nhiễm trùng.
Ngoài cách vệ sinh như trên, người bị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ cũng cần lưu ý:
- Tuyệt đối không để nước tràn vào trong tai, nhất là nước bẩn. Vì thế, bạn cần cẩn thận khi tắm để nước không vào tai. Tốt nhất, nên hạn chế đi bơi trong thời gian đang điều trị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ.
- Không tiếp xúc với tiếng ồn lớn, âm thanh mạnh, không sử dụng vật cứng để lấy ráy tai.
- Chú ý vệ sinh cả mũi họng bằng nước muối sinh lý, bởi tai mũi họng thông nhau, do đó, vệ sinh tốt cả 3 bộ phận sẽ giúp tránh viêm nhiễm, bệnh sớm khỏi hơn.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ưu tiên ăn các món ăn mát, mềm, có tác dụng chống viêm, giúp tổn thương nhanh lành hơn.