Nếu bạn thường xuyên nhờ người thân, bạn bè hoặc một ai đó lặp lại những gì họ vừa nói, thì có thể, bạn đã bắt đầu trải nghiệm tình trạng mất thính giác.
Suy giảm thính giác có thể là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, nhưng nó không có nghĩa là bạn phải chờ đợi cho điều đó xảy ra. Trong thực tế, bạn có thể bắt đầu ngăn ngừa tình trạng này, chỉ cần làm theo những lời khuyên đơn giản sau đây. Nhưng trước khi tìm hiểu phương pháp làm thế nào để ngăn ngừa suy giảm thính giác, chúng ta hãy thảo luận thêm một chút về thính giác.
Các loại suy giảm thính giác
Có 3 loại suy giảm khác nhau: Điếc dẫn truyền, điếc tiếp nhận và điếc hỗn hợp.
- Điếc dẫn truyền thường do hậu quả của viêm tai ngoài và tai giữa. Khi đó, hệ thống dẫn truyền âm thanh gồm: vành tai, ống tai, màng nhĩ và các xương con bị tổn thương nên không làm tròn chức năng dẫn truyền âm thanh từ ngoài vào trong tai. Thể điếc này thường xảy ra tạm thời ở mức độ điếc nhẹ hoặc vừa.
- Điếc tiếp nhận (hay điếc thần kinh) là tình trạng các bộ phận dẫn truyền hoạt động bình thường nhưng tai trong bị tổn thương, dẫn đến âm thanh truyền đến tai không được tiếp nhận và truyền tín hiệu lên não. Ở thể điếc này, người bệnh bị điếc nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể bị điếc hoàn toàn. Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi, những người phải làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn, khiến tế bào của ốc tai bị tổn thương. Ngoài ra, điếc tiếp nhận còn xuất hiện do các loại vi khuẩn, virus gây nên hoặc người bệnh lạm dụng một số thuốc gây hại cho thính lực.
- Điếc hỗn hợp mang đặc điểm của cả hai thể trên, bao gồm tổn thương ở tai ngoài, tai giữa và tai trong. Khởi đầu của điếc thường xuất hiện ù tai, tiếng kêu giống như tiếng dế, còi rít hoặc chuông ngân. Hiện tượng chóng mặt có thể đi kèm với điếc nhưng không thường xuyên.
4 cách giúp bạn ngăn ngừa suy giảm thính giác
Như đã đề cập, ngay từ hôm nay bạn hãy áp dụng một số cách để tránh bị nghe kém hoặc ít nhất là giữ cho thính lực không bị giảm thêm.
Chú ý đến tình trạng sức khoẻ
Các vấn đề sức khoẻ như tăng huyết áp, cholesterol và đái tháo đường không chỉ là những bệnh độc lập, mà còn có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ khác. Để ngăn ngừa mất thính giác do các bệnh mãn tính, bạn nên điều trị đúng cách các bệnh này, ví dụ như ổn định huyết áp, kiểm soát cholesterol và đảm bảo rằng, bệnh đái tháo đường đã được kiểm soát.
Lấy ráy tai đúng cách
Đôi khi chúng ta lắng nghe mơ hồ hoặc cảm thấy không nghe thấy gì. Tình trạng này có liên quan nhiều đến ráy tai. Ráy tai thường được coi là nguyên nhân gây ra các vấn đề về thính giác và nó cũng là một yếu tố nguy cơ lớn. Trên thực tế, nếu không được loại bỏ đúng cách, ráy tai có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như điếc dẫn truyền.
Bạn không nên dùng tăm bông hoặc que sắt cho vào tai bởi vì ống tai có thể tự loại bỏ ráy tai một cách tự nhiên. Nếu có nhiều ráy tai, bạn có thể gặp bác sĩ để loại bỏ hoặc đổ một thìa dầu ô liu vào tai để nới lỏng ráy tai, từ đó, nó sẽ tự bong và rơi ra ngoài.
Kiểm soát tốt dị ứng
Chứng dị ứng không chỉ góp phần gây chảy nước mũi và ngứa, mà chúng cũng có thể gây mất thính giác. Chứng dị ứng có thể gây ra bệnh viêm tai giữa, dẫn đến mất thính lực - điều này khiến việc nghe trở nên khá khó khăn.
Trong trường hợp này, bạn có thể dùng thuốc chống dị ứng không cần kê toa hoặc thuốc theo toa nếu tình trạng nghiêm trọng để làm giảm các triệu chứng dị ứng và cải thiện thính giác của bạn.
Kiểm soát tiếng ồn
Một trong những nguyên nhân chính gây mất thính giác là tiếng ồn. Tuy nhiên, thật khó để không tiếp xúc với tiếng ồn vì nó luôn tồn tại xung quanh ta. Điều quan trọng là bạn phải tìm cách giảm thiểu tiếng ồn càng nhiều càng tốt.
Tốt nhất, bạn nên có chụp tai sử dụng một lần trong xe hơi hoặc ví như một biện pháp phòng ngừa an toàn. Hơn nữa, hãy giữ mức âm lượng của các thiết bị điện tử ở mức tổi thiểu, đặc biệt là khi sử dụng tai nghe.
Hoài Lam