Theo nghiên cứu mới đây, những người thường xuyên bị bệnh ù tai sẽ bị âm thanh tác động vào tình cảm nhiều hơn so với những người không bị căn bệnh này. Điều đó khiến cho họ dễ xao động và nhiều xúc cảm.
Những người bị bệnh ù tai là những người luôn phải nghe những âm thanh không có thực. Sự im lặng thường làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Người bị ù tai bị âm thanh tác động vào tình cảm nhiều hơn so với những người không bị căn bệnh này. |
Khoảng 90% những người bị ù tai có mức độ nghe khác nhau, và khoảng 50% người thính giác không tốt bị ảnh hưởng bởi ù tai.
Tham gia thí nghiệm nghiên cứu, những người được chọn ra là những người bị mắc bệnh ù tai, những người tai nghễnh ngãng và những người có thính giác khỏe mạnh.
Quét cộng hưởng từ MRI ở những người tham gia thí nghiệm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã xem xét hoạt động não của họ trong khi để họ tiếp xúc với những loại âm thanh có tần suất khác nhau, từ ít đến nhiều, từ dễ chịu, trung tính đến khó chịu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi các âm thanh dễ chịu và khó chịu được phát ra thì vùng hạch hạnh nhân – khu vực xử lí cảm xúc của não bộ ở những người bị ù tai và những người tai nghễnh ngãng có ít hoạt động hơn những người có thính giác khỏe mạnh.
Trong khi những âm thanh dễ chịu được phát ra thì hai vùng não liên quan đến cảm xúc (thùy nhỏ ở não trước và thùy thái dương trung gian) của bệnh nhân bị bệnh ù tai lại diễn ra nhiều hoạt động hơn so với người không bị bệnh này.
Nhà nghiên cứu Fatima Husain, giáo sư tại Đại học Illinois ở Urbana Champaign cho biết, vấn đề xử lí cảm xúc do âm thanh ở người bị bệnh ù tai không chỉ do một mình hạch hạnh nhân là nhân tố quyết định.
Gánh nặng phải xử lí liên tục những âm thanh không có thực đã khiến cho hạch hạnh nhân và các bộ phận khác của não bị phân phối lại. Từ đó, hạch hạnh nhân không phải hoạt động liên tục. Não bộ đã có sự điều chỉnh trong việc tiếp nhận và xử lí âm thanh trước tình trạng ù tai.
Chính vì thế mà người bị ù tai sẽ có nhiều xúc cảm hơn những người không mắc căn bệnh này.
Sau nghiên cứu, khoảng 80% các bệnh nhân ù tai khắc phục được tình trạng của họ và không còn lo lắng. Thế nhưng 20% những người còn lại nhận thấy tình trạng gây trở ngại cho cuộc sống của họ, thường gây khó ngủ và làm cho họ chán nản và lo lắng.
Nhà nghiên cứu Husain cho biết, bà hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp cho các nhà khoa học hiểu rõ hơn về chứng ù tai. Qua đó, họ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc căn bệnh này.