Điếc 1 bên tai phải là tình trạng khá phổ biến. Tuy người bệnh không bị  mất hoàn toàn thính lực nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn trong giao tiếp hàng ngày và nguy cơ điếc cả hai tai là rất cao. Vậy đâu là nguyên nhân gây điếc 1 bên tai phải? Hãy cùng tìm hiểu thêm thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

Điếc 1 bên tai phải là gì?

Điếc 1 bên tai phải là tình trạng thính lực bên tai phải của bạn bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Khác với điếc cả 2 tai, khi bị điếc một bên tai phải, bạn vẫn có thể nghe thấy âm thanh nhưng không rõ ràng.

Khi bị điếc 1 bên tai phải, bạn sẽ mất đi khả năng nhận diện và khó xác định được nơi phát ra âm thanh. Điều này có thể làm cho các hoạt động hàng ngày như tham gia giao thông không chỉ gặp khó khăn mà còn hết sức nguy hiểm. Một số người bị điếc 1 bên tai nhận thấy điều đó nhiều nhất khi họ giao tiếp với nhóm người hoặc nói chuyện ở nơi có âm thanh ồn ào.

“Vạch mặt” nguyên nhân gây điếc một bên tai

Biết được những nguyên nhân gây ra tình trạng điếc một bên tai sẽ là cơ sở giúp bạn điều trị dễ dàng hơn. Dưới đây là những nguyên nhân gây điếc một bên tai bạn cần biết:

- U thần kinh âm thanh: Đây là một loại khối u đè lên dây thần kinh thính giác khiến khả năng nghe bị suy giảm. Nếu khối u ở bên tai phải thì bạn sẽ bị điếc 1 bên tai phải và ngược lại.

- Thủng màng nhĩ: Một lỗ thủng trong màng nhĩ cũng có thể khiến bạn bị điếc 1 bên tai. Thông thường, màng nhĩ bên tai nào bị thủng sẽ gây khiếm thính ở bên tai đó.

- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn: Tiếp xúc với tiếng ồn như: Tiếng pháo nổ, tiếng làm việc ở công trình xây dựng, nghe nhạc với âm thanh lớn,… đều là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng điếc tai. Thông thường, việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn sẽ gây điếc hoặc suy giảm thính lực ở cả hai tai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể chỉ gây ra tổn thương ở một bên.

Do sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng điếc một bên tai tạm thời. Sau khi ngừng sử dụng thuốc, sức nghe sẽ được hồi phục. Tuy nhiên, nếu thuốc gây tổn hại đến các tế bào thần kinh thính giác thì có thể gây điếc một bên tai vĩnh viễn. Những loại thuốc gây điếc đều là thuốc độc hại đối với dây thần kinh số 8. Các loại thuốc có thể gây điếc một bên tai bao gồm: Aspirin liều cao; thuốc hóa trị, xạ trị ung thư; thuốc điều trị, phòng ngừa sốt rét; thuốc kháng sinh aminoglycosid và thuốc lợi tiểu được sử dụng trong suy thận, suy tim.

Khối u trong tai: Khi tai có một số khối u sẽ gây chèn ép lên dây thần kinh thính giác trong tai, khiến tai bị điếc. Khối u phát triển bên tai phải sẽ gây điếc tai phải và ngược lại.

Mắc các bệnh virus: Những bệnh do virus và vi khuẩn gây ra như: Viêm màng não, bệnh sởi, quai bị, herpes zoster (giời leo) có thể gây điếc hoặc điếc một bên tai nếu chúng ảnh hưởng đến các dây thần kinh tai trong. Tình trạng này có thể là tạm thời, khi hết các bệnh virus sẽ nghe lại bình thường, nhưng nếu bệnh nặng hoặc không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến điếc tai vĩnh viễn.

Ngoài ra, điếc một bên tai còn là kết quả do quá trình lão hóa. Một số nguyên nhân gây bệnh khác có thể kể đến như: Ráy tai tích tụ trong ống tai hoặc chất lỏng tích tụ gây nhiễm trùng tai. Bên cạnh đó, một số bệnh như: Bệnh giòn xương, thủng màng nhĩ, bệnh Meniere, u sợi thần kinh loại 2, viêm tai ngoài,... cũng dẫn đến tình trạng điếc một bên tai.

Điều trị điếc 1 bên tai phải bằng cách nào?

Điếc 1 bên tai phải tuy không khiến bạn mất hẳn khả năng nghe nhưng vẫn gây ra nhiều bất tiện và khó chịu trong cuộc sống. Chính vì vậy, khi thấy xuất hiện dấu hiệu bị nghe kém 1 bên hoặc cả 2 tai, bạn cần kiểm tra sớm tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị điếc 1 bên tai có thể được áp dụng như:

- Dùng thuốc:Trong trường hợp tuần hoàn máu của tai trong bị giảm hoặc suy yếu sẽ gây ra tình trạng nghe kém. Lúc này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các loại thuốc giúp tăng cường tuần hoàn, chống phù nề để cải thiện tình trạng nghe kém. Nếu điếc tai đến từ nguyên nhân do viêm tai giữa, bạn sẽ được kê đơn sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, chống viêm. 

- Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân điếc tai đến từ các yếu tố như thủng màng nhĩ, có khối u trong dây thần kinh thính giác, xơ cứng tai,… thì có thể bạn sẽ cần tới một ca phẫu thuật để khắc phục tình trạng này. Đa số trường hợp có thể phục hồi thính lực nếu các yếu tố nguy cơ được loại bỏ.

- Sử dụng máy trợ thính:Máy trợ thính là thiết bị điện tử nhỏ đeo trong tai giúp âm thanh to và rõ hơn. Mặc dù vậy, chúng sẽ không giúp khôi phục khả năng nghe. Hơn nữa, vì chi phí khá đắt đỏ nên không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng.

- Cấy ốc tai điện tử: Ốc tai điện tử thường được dùng để cải thiện thính lực trong trường hợp bị tổn thương ở tai trong và không có hiệu quả khi sử dụng máy trợ thính. Ốc tai điện tử bỏ qua các bộ phận bị hư hỏng của tai trong và trực tiếp kích thích dây thần kinh thính giác, giúp người bệnh nghe tốt hơn. Tuy nhiên, cấy ốc tai điện tử là một phương pháp tốn rất nhiều chi phí và không phải ai cũng có đủ khả năng để áp dụng.

Điếc một bên tai nếu không được điều trị sớm và kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng tới bên còn lại và gây điếc vĩnh viễn. Ngay từ hôm nay, hãy tự bảo vệ thính lực để cải thiện chứng ù tai, điếc tai, suy giảm thính lực hiệu quả.